TP.HCM có nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu

TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT vừa tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực miền Nam.

Xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết thời gian qua TP đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm ứng phó với BĐKH, BVMT. Cụ thể, TP đã đảm bảo lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đến nay tổng công suất các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt là 200.200 m3/ngày. Bên cạnh đó, Nhà máy Bình Hưng giai đoạn 2 đã hoàn thành. TP cũng đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000 m3/ngày. Sau khi nhà máy này hoàn tất, tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 71,25%.

“TP cũng đã triển khai quan trắc thường xuyên các chỉ tiêu về chất lượng không khí liên quan đến hoạt động giao thông tại 19 nút giao thông. Các giải pháp đồng bộ triển khai gắn liền với chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông góp phần làm giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm” - bà Mỹ nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, TP đã triển khai rất nhiều giải pháp liên quan đến việc ứng phó với BĐKH. Cụ thể, TP đang tập trung thực hiện các dự án ngăn triều để chống ngập, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến kênh rạch, trong đó có dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Đây là dự án mà nhiều năm nay TP vẫn chưa thực hiện được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “TP nỗ lực trước ngày 2-9 duyệt được dự án cải tạo, nâng cấp rạch Xuyên Tâm. Đây là tuyến rạch nhiều năm nay TP đặt mục tiêu cải tạo với số vốn gần 10.000 tỉ đồng. Vừa qua, TP đã cân đối được nguồn vốn” - ông Cường thông tin.

Ngoài ra, theo ông Cường, đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đang được quan tâm. TP đang hoàn thiện đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Khi đề án được thông qua, TP sẽ lắng nghe ý kiến phản biện, có tham vấn để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cho TP và đồng thời gắn với phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đang được triển khai thực hiện. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đang được triển khai thực hiện. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Các địa phương tích cực ứng phó với BĐKH

Đánh giá về những kết quả đạt được của địa phương, ông Phan Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An, cũng cho hay thời gian qua tỉnh đã thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm. Theo đó, trong giai đoạn 2012-2018 ước tính tỉnh tiết kiệm hơn 511 triệu kWh điện. Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đã điều tra, thống kê, đánh giá các nguồn thải trên các sông ngòi, kênh rạch chính của tỉnh, phân vùng xả thải, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước làm cơ sở cho việc xem xét tiếp nhận dự án, cấp phép xả nước thải...

Tại tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị, các điểm dân cư tập trung, khu tái định cư ven biển. Theo ông Sử, một trong những nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 24 là xây dựng tái định cư tại các cụm tuyến dân cư để người dân phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, thực tế ở địa phương cho thấy những khu tái định cư không tạo được sinh kế cho người dân.

“Ở tỉnh chúng tôi có rất nhiều khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai nhưng chưa có khu tái định cư nào tạo được sinh kế bằng hoặc cao hơn sinh kế cho người dân như khi họ ở vùng thiên tai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó phải thừa nhận các nơi tái định cư không phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tập quán, văn hóa của người dân khi được di dời đến” - ông Sử nói.

Để chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, ông Sử cho biết Cà Mau cũng sẽ tập trung nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi, đảm bảo chủ động phòng, chống nước dâng, bão lũ theo mức thiết kế và an toàn.•

10 năm thực hiện, nghị quyết đã đem lại nhiều kết quả quan trọng

Sau khi nghe báo cáo, tham luận của các địa phương và chuyên gia, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận những kết quả đạt được của các địa phương trong thời gian qua. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng Nghị quyết 24 ra đời là một dấu mốc rất quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Sau 10 năm thực hiện, nghị quyết đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, do vậy những vấn đề đối với việc thực hiện Nghị quyết 24 trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được báo cáo, xem xét, cập nhật để đáp ứng các vấn đề đang nổi lên và xác định được các nhóm giải pháp các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện nghị quyết này.

“Tất cả góp ý của các địa phương, chuyên gia sẽ được ghi nhận lại. Từ đó, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, bổ sung báo cáo tổng kết. Trên cơ sở đề xuất của các đại biểu, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện và có báo cáo tổng kết, đánh giá đúng những vấn đề tồn tại, bài học và có đề xuất phù hợp” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-co-nhieu-du-an-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-post746979.html