TP.HCM công bố 10 hoạt động y tế nổi bật 10 năm qua

Nếu như cách đây 10 năm, TP.HCM chỉ có 1 bệnh viện đạt điểm chất lượng từ 4 điểm trở lên thì đến năm 2023 này lên tới 37 bệnh viện đạt điểm như thế.

Năm 2023 sắp trôi qua, nhìn lại hành trình của ngành y tế TP.HCM trong 1 năm với nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với mục tiêu "tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn".

Nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM được xây dựng khang trang, hiện đại góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện - Ảnh: PV

Nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM được xây dựng khang trang, hiện đại góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện - Ảnh: PV

Điều này thể hiện qua chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện được nâng cao. Nếu như những năm 2013, 2014, toàn TP chỉ có 1 bệnh viện có điểm trung bình từ 4 điểm trở lên thì đến năm 2023, con số này đã lên đến 37 bệnh viện.

Dưới đây là 10 hoạt động y tế nổi bật của TP.HCM trong hành trình 10 năm qua:

1. Chủ động thành lập Hội đồng chất lượng khám chữa bệnh

Từ năm 2014, Sở Y tế chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế TP, bao gồm những chuyên gia và nhà quản lý bệnh viện có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết về xây dựng và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện, nhằm định hướng cho các bệnh viện triển khai hiệu quả 5 mục tiêu chất lượng: tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn.

Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát chuyên đề của các ban chuyên trách thuộc Hội đồng quản lý chất lượng, hội đồng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế nhiều vấn đề về chất lượng của các bệnh viện cần được ưu tiên cải tiến hoặc chấn chỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo tiêu chí chất lượng bệnh viện đã được Bộ Y tế ban hành.

2. Sổ tay khuyến cáo cải tiến chất lượng khám bệnh chữa bệnh

Qua thực tiễn hoạt động quản lý chất lượng tại các bệnh viện và kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế, qua tham khảo và nghiên cứu kinh nghiệm về quản lý chất lượng của các tổ chức, và bệnh viện có uy tín trên thế giới, Sở Y tế ban hành các bộ khuyến cáo nhằm giúp các nhà quản lý bệnh viện áp dụng vào công tác quản lý chất lượng tại đơn vị.

Sổ tay bao gồm 28 bộ khuyến cáo với các chuyên đề khác nhau trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, thật sự cần thiết cho công tác quản lý bệnh viện, và hoạt động cải tiến chất lượng khám chữa bệnh trước những thách thức mới trong tình hình mới.

Mỗi khuyến cáo đều được đúc kết từ tính cần thiết về lý luận, những quy định có cơ sở pháp lý, tính khả thi trong thực tiễn hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện.

Trên cơ sở của các khuyến cáo, Sở Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát hằng năm về hoạt động quản lý chất lượng của các bệnh viện, qua đó phát hiện những cách làm hay để nhân rộng, và kịp thời chấn chỉnh và hỗ trợ khi các bệnh viện làm không đúng hoặc gặp khó khăn khi triển khai.

3. Kho dữ liệu phác đồ điều trị của ngành y tế

Năm 2015, Sở Y tế chính thức ra mắt kho dữ liệu phác đồ điều trị của ngành y tế TP ở địa chỉ http://pddt.medinet.org.vn với gần 2.400 phác đồ. Kho dữ liệu phác đồ điều trị được tập hợp từ các phác đồ điều trị của các bệnh viện đa khoa hạng 1, và bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thuộc TP, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh tham khảo, chọn lựa và bổ sung phác đồ điều trị phù hợp năng lực chuyên môn kỹ thuật của từng đơn vị.

4. Quy trình báo động đỏ liên viện cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch

Tiếp nối những thành công của “báo động đỏ nội viện” của Bệnh viện Nhi đồng 1, năm 2016, Sở Y tế triển khai quy trình "báo động đỏ liên viện" đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch mạng sống.

Khi có trường hợp cấp cứu nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, cần huy động chuyên gia, các bệnh viện có thể kích hoạt báo động đỏ liên viện để tập hợp sức mạnh hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trong việc "tận dụng thời gian vàng" kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Với quy trình báo động đỏ, ngành y tế không cần thêm bất kỳ nguồn kinh phí nào nhưng thực tiễn đã chứng minh hiệu quả, trong 5 năm (2018-2023) quy trình “Báo động đỏ nội viện và liên viện” đã có gần 3.700 trường hợp bệnh nhân được cứu sống sau khi các đơn vị triển khai quy trình này. Trong đó, cứu sống bệnh nhân nhờ thực hiện báo động đỏ nội viện là 3.500 trường hợp, báo động đỏ liên viện là 160 trường hợp.

5. Hình thành mạng lưới 40 trạm cấp cứu vệ tinh

Qua nghiên cứu và vận dụng phù hợp với mô hình thực tiễn hoạt động khám bệnh chữa bệnh của TP, ngành y tế TP triển khai mạng lưới Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện trên địa bàn. Đến nay, mô hình hoạt động cấp cứu mới này đã "phủ sóng" được 40 trạm cấp cứu vệ tinh ở tất cả huyện ngoại thành, cùng các quận, huyện cận nội thành và một trạm đặt ngay trung tâm TP.

Ngoài ra, với mục tiêu “nhanh hơn, tiện ích hơn” để người bệnh đảm bảo được “thời gian vàng” trong điều trị, từ đó khả năng cứu giữ mạng sống tăng cao hơn, từ năm 2019, ngành y tế TP đã triển khai mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh, đây được xem là mô hình đầy tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đầu tư để mở thêm 2 trạm cấp cứu vệ tinh đường thủy và đường không nhằm đa dạng hóa loại hình cấp cứu, đây cũng là một trong các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và độ bao phủ cấp cứu ngoài bệnh viện.

6. Nhiều công trình mới giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện

Từ năm 2016 đến năm 2023, nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần giảm sự quá tải cho các bệnh viện, và tạo tiền đề cho việc phát triển y tế chuyên sâu của ngành y tế TP như: Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Truyền máu huyết học cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, các khối nhà mới của Bệnh viện Nhi đồng 1…

Năm 2023 là năm cột mốc đánh dấu việc chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng của 2 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của TP và cả khu vực phía nam (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 1).

7. Giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh cấp TP

Để giới thiệu những mô hình, cách làm hay của các bệnh viện về hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện, năm 2016, lần đầu tiên Sở Y tế tổ chức và triển khai hoạt động bình chọn Giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh cấp TP, với 5 mục tiêu chất lượng "An toàn, hiệu quả, nhanh hơn, chi phí hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn" hướng đến an toàn người bệnh.

Qua 2 đợt tổ chức (2016 và 2019), Sở Y tế đã giới thiệu và nhân rộng 80 sản phẩm chất lượng khám chữa bệnh và 37 sản phẩm y tế thông minh của ngành y tế TP cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

8. Hội thi điều dưỡng trưởng giỏi cấp TP

Từ năm 2014, Sở Y tế đã tổ chức hội thi “Điều dưỡng trưởng giỏi cấp TP” cho tất cả các điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng được quy hoạch làm điều dưỡng trưởng khoa tại các bệnh viện trên địa bàn TP.

Trải qua 8 lần tổ chức, với 8 chuyên đề khác nhau (điều dưỡng trưởng giỏi chuyên môn, vững quản lý, an toàn người bệnh, an toàn người bệnh trong sản khoa, an toàn người bệnh trong phẫu thuật, an toàn người bệnh trong sử dụng trang thiết bị y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn người bệnh, vai trò của điều dưỡng trưởng trong xây dựng bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19, vai trò của kỹ thuật viên trưởng trong nâng cao năng lực xét nghiệm), hội thi đã tạo được tiếng vang và để lại nhiều dấu ấn cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên tại các bệnh viện trên địa bàn TP và cả các bệnh viện trong khu vực phía nam.

9. Khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của người bệnh

Năm 2023, là năm thứ 6 liên tiếp Sở Y tế triển khai khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân qua hệ thống ki ốt khảo sát ý kiến không hài lòng đặt tại khoa khám bệnh của các bệnh viện. Kết quả khảo sát giúp các bệnh viện chủ động nắm bắt những khâu nào của quy trình khám bệnh cần được cải tiến, hướng đến mục tiêu làm tăng sự hài lòng của người bệnh.

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì ki ốt khảo sát ý kiến không hài lòng khi người bệnh đến khám bệnh tại các bệnh viện, đầu năm 2022, Sở Y tế triển khai chương trình đối thoại trực tiếp với người bệnh, sau khi khi kết thúc thời gian nằm viện điều trị. Đây là một hoạt động mới và rất thiết thực, giúp lãnh đạo các bệnh viện có thêm nhiều thông tin được phản ánh trực tiếp từ người dân sau thời gian nằm viện, giúp các bệnh viện chủ động hơn nữa trong triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

10. Tiếp cận các chứng nhận xuất sắc quốc tế theo từng chuyên khoa ngang tầm các nước trong khu vực

Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng trong nước, với mục tiêu vươn tầm thế giới, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP đã nỗ lực đạt các chứng nhận xuất sắc của các tổ chức quốc tế có uy tín như: Bệnh viện Nhân dân 115 đạt chứng nhận kim cương; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện TP.Thủ Đức đạt chứng nhận bạch kim; Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đạt chứng nhận vàng quốc tế về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới (WSO).

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-cong-bo-10-hoat-dong-y-te-noi-bat-10-nam-qua-212093.html