TP HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam nằm trong danh sách có mức sinh thấp

Theo danh sách tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp vừa được Bộ Y tế công bố có TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên vừa ký ban hành Quyết định 2019/QĐ-BYT công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025. Theo đó, vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố; vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố và 9 tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thay thế.

Cụ thể, Bộ Y tế công bố danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh như sau:

Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

21 tỉnh, thành phố nằm trong vùng có mức sinh thấp- Ảnh minh họa

21 tỉnh, thành phố nằm trong vùng có mức sinh thấp- Ảnh minh họa

Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam.

Vùng mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Danh sách tỉnh, thành phố theo vùng mức sinh nêu trên được thống nhất áp dụng trong giai đoạn 2020-2025 làm cơ sở để xây dựng các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan đến thực hiện mục tiêu Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Trước đó, để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, bảo đảm giữ vững mức sinh thay thế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".

Mục tiêu của Chính phủ là tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp

Mục tiêu của Chính phủ là tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp

Quyết định này đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Mức sinh ở TP HCM thấp nghiêm trọng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Thống kê TP HCM năm 2019, tổng tỉ suất sinh của TP HCM là 1,39 con. Dự báo mức sinh của TP có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới và tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của thành phố. Dự ước tỉ số giới tính khi sinh hiện nay là 106,4 bé trai/100 bé gái.

Trước đó, số liệu năm 2018 cho thấy tổng tỉ suất sinh ở TPHCM là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con.

D.Thu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-da-nang-va-nhieu-tinh-phia-nam-nam-trong-danh-sach-co-muc-sinh-thap-20210428040058216.htm