TP.HCM đảm bảo có đủ quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển

Sáng nay (28/4), UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị số 17-CT/TU năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và phát động nội dung thi đua giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đảm bảo đủ quỹ đất để phát triển

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ để có đủ quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đặc biệt là đón đầu để triển khai thí điểm cơ chế các chính sách theo tinh thần Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 và theo như tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ giải ngân đầu tư công năm 2023, ông Phan Văn Mãi yêu cầu, lãnh đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức đến cuối tháng 6/2023 phải hoàn thành ít nhất 70% để đủ điều kiện khởi công tất cả dự án, đặc biệt là Vành đai 3. Các địa phương và chủ đầu tư làm tốt công tác xác định giá, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Riêng với dự án Vành đai 3, ông Mãi cho biết, thành phố hướng đến thực hiện như một dự án kiểu mẫu về tái định cư để bà con có nơi ở thật sự tốt.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (ảnh H.K)

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (ảnh H.K)

“Trong công tác tái định cư, có những trường hợp đủ điều kiện nhưng có những trường hợp không đủ điều kiện thì chúng tôi vận dụng tối đa để xem xét giải quyết những trường hợp có thể. Trong những trường hợp khác thì chúng tôi đang phát triển quỹ nhà ở xã hội, các nhà ở thu nhập phù hợp để bà con có thể tiếp cận được để ổn định cuộc sống”, ông Phan Văn Mãi cho biết.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các địa phương rà soát lại từ đây đến năm 2030 cần bao nhiêu đất cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lên phương án cái nào giải phóng mặt bằng trước, cái nào dùng vốn trung hạn 2021 - 2025 để giải phóng mặt bằng, cái nào chuẩn bị để cho trung hạn sau. Đây là nhiệm vụ là nền tảng để giải ngân đầu tư công, dẫn dắt đầu tư phát triển…

Giải ngân 8.800 tỷ đồng trước 15/6

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, để đảm bảo tiến độ bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6/2023 để khởi công dự án Vành đai 3, Sở đã chủ động xin ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện thu hồi đất nông nghiệp trước (sau 90 ngày); vận động người dân có đất ở chấp thuận cho thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và nhận nền tái định cư mà không chờ hết thời hạn 180 ngày như quy định tại Điều 67, Luật đất đai 2013. Đây là cách làm mới có thể tiết kiệm 90 ngày so với kế hoạch đề ra.

Phó Giám đốc Sở TN - MT TPHCM Võ Trung Trực (ảnh H.K)

Phó Giám đốc Sở TN - MT TPHCM Võ Trung Trực (ảnh H.K)

Đến nay, sau khi UBND TP.HCM ban hành 4 quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, UBND TP.Thủ Đức đã ban hành các quyết định thu hồi, bồi thường hỗ trợ đạt tỷ lệ diện tích đất thu hồi là 52,7%, huyện Hóc Môn đạt 83%, Bình Chánh 74% và Củ Chi 87%; bình quân tỷ lệ đã đạt hơn 70% so với qui mô dự án.

“Rất mong lãnh đạo TP.Thủ Đức tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và các địa phương khác cũng cố gắng làm sao với phần đất nông nghiệp đảm bảo vào 30/6 thay vì đạt 70 – 73% có thể đạt hơn 80 – 90% đối với đất nông nghiệp thực hiện dự án”, ông Võ Trung Trực đề nghị.

TP.HCM đảm bảo có đủ quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)

TP.HCM đảm bảo có đủ quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)

Trong giai đoạn 1 từ nay đến 15/6, TP.HCM dự kiến giải ngân 8.800 tỷ đồng cho công tác bồi thường cùng với 2.000 tỷ đồng trong công tác xây lắp. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức.

“Để giải ngân 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 tháng là nhiệm vụ vô cùng lớn, chưa từng có ở thành phố. Nhưng với sự quyết tâm, cả hệ thống chính trị 4 địa phương và các sở ngành vào cuộc cũng như sự đồng thuận ủng hộ của bà con nhân dân thì chúng tôi tin tưởng nhiệm vụ vô cùng thách thức này sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra”, ông Lương Minh Phúc khẳng định./.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-dam-bao-co-du-quy-dat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-post1016988.vov