TP.HCM đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân các tỉnh sáp nhập
Từ 1-7-2025, ba Sở Y tế TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức sáp nhập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hơn 14 triệu dân, các quyền lợi bảo hiểm y tế cũng được bảo đảm.
Chị LTH (48 tuổi) từ xã Bàu Bàng lên Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM để điều trị bệnh ung thư vú. Chị H phát hiện bị ung thư vú từ đầu năm 2024, trước sáp nhập (TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu), mỗi khi đến BV Ung Bướu chị đều phải tự chi trả chi phí điều trị ban ngày hoặc buộc phải nhập viện nội trú để được bảo hiểm y tế thanh toán, dẫn đến tốn kém chi phí ăn ở, đi lại.
Thêm nhiều quyền lợi, bệnh nhân mừng
"Nhiều khi đến BV chỉ truyền hóa chất có 2-3 tiếng là xong, mà muốn được bảo hiểm y tế thanh toán thì bác sĩ (BS) lại phải cho nhập viện. Nay nghe BS nói bảo hiểm y tế chi trả cả chi phí điều trị ban ngày, tôi mừng quá!” - chị H chia sẻ.

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại BV Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Ông NTT (60 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị đau xương khớp đã vài năm, điều trị ở BV địa phương nhưng không bớt. Khoảng một năm trở lại đây, mỗi tháng ông đều bắt xe lên TP.HCM để chữa trị tại BV Lê Văn Thịnh.
Lúc trước đi khám tuyến trên mà không có giấy chuyển tuyến thì không được, ông NTT phải xin giấy ở Đồng Nai, có lần mất nguyên một ngày, vừa mệt mỏi vừa ảnh hưởng công việc. “Người bệnh được thông tuyến để khám không cần giấy chuyển tuyến là quá tốt, chúng tôi vừa đỡ mệt vừa đỡ tốn thời gian” - ông T bày tỏ.
Chị TNK (45 tuổi, ngụ Vĩnh Long) thường từ nhà bắt xe đò để tới TP.HCM lúc rạng sáng, kịp giờ khám ở BV Thống Nhất. Chị K kể con gái chị năm nay 15 tuổi, mắc bệnh lupus ban đỏ đã 2 năm.
Suốt 2 năm qua, hai mẹ con chị K đều đặn đi về giữa Vĩnh Long và TP.HCM. Trước mỗi lần tái khám, chị phải mất ít nhất nửa ngày để xin giấy chuyển tuyến từ BV tỉnh lên BV trên TP. "Con tôi bệnh nặng nên vẫn phải lên TP.HCM điều trị liên tục. Giờ nghe tin không còn phải xin giấy chuyển tuyến nữa, tôi mừng lắm. Như vậy tôi đỡ vất vả đi lại, tiết kiệm thời gian và chi phí” - chị K chia sẻ.

Bệnh nhân điều trị bệnh thận tại khoa Nội thận, BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm không cần giấy chuyển tuyến
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho hay mỗi ngày nơi này tiếp nhận 4.700-5.000 lượt khám ngoại trú, 900-1.000 bệnh nhân điều trị nội trú.
Trước đây chính sách điều trị ban ngày, tức điều trị ngoại trú nhưng được tính quyền lợi như nội trú (ví dụ bệnh nhân đến truyền hóa chất, xạ trị rồi về) vốn chỉ áp dụng cho người dân TP.HCM. Sau sáp nhập, phạm vi được hưởng quyền lợi này đã mở rộng ra thêm khoảng 4 triệu dân của toàn TP.
Hiện rất nhiều bệnh nhân đến đây khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị ban ngày. Điều này giúp giảm bớt chi phí và áp lực tâm lý trong quá trình điều trị ung thư, vốn đã là hành trình dài và tốn kém.

Mỗi ngày BV Ung Bướu tiếp nhận khoảng 4.700-5.000 lượt khám ngoại trú. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
BS Tuấn nhận định lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV chưa có biến động đột biến. Từ trước đến nay BV luôn đảm nhiệm vai trò chuyên khoa sâu cho cả khu vực miền Nam nên vẫn tiếp nhận bệnh nhân từ các địa phương khác như bình thường.
"Để đáp ứng nhu cầu có xu hướng tăng, BV Ung Bướu TP.HCM đã xin bổ sung 200 giường nội trú, nâng tổng số giường từ 1.000 lên 1.200. Sở Y tế TP.HCM đã phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh mới này” - BS Tuấn thông tin.
Ngoài mở rộng quyền lợi điều trị ban ngày, từ ngày 1-7, người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm sẽ không cần giấy chuyển tuyến khi tự đi khám chữa bệnh tại các BV tuyến chuyên sâu. Người bệnh chỉ cần được cơ sở y tế xác định chính xác mắc một trong 62 bệnh thuộc danh mục là sẽ được hưởng 100% chi phí bảo hiểm y tế theo quy định.
Chưa hết, người bệnh khám, chữa bệnh ở BV cùng tuyến với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên toàn quốc, cũng được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế đúng tuyến mà không cần giấy chuyển tuyến, áp dụng cho tất cả bệnh lý.

Từ ngày 1-7, người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm sẽ không cần giấy chuyển tuyến khi tự đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến chuyên sâu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bảo hiểm y tế không phân biệt địa giới hành chính
Theo ông Nguyễn Như Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Ung Bướu TP.HCM, trong tháng 6 vừa qua, BV tiếp nhận khoảng 35.000 lượt khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế.
Trong đó, người dân TP.HCM chiếm hơn 20%, còn lại gần 80% là bệnh nhân đến từ các tỉnh. Con số này cho thấy nhu cầu người dân các tỉnh đổ về các BV lớn, BV tuyến cuối luôn rất cao, nhất là khi các bệnh lý nặng như ung thư không thể điều trị triệt để ở tuyến tỉnh.
Quy định không cần giấy chuyển tuyến khi đi khám chữa một số bệnh từng được Bộ Y tế hướng dẫn bằng Thông tư số 30, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Đến ngày 1-7, nội dung chính thức được luật hóa trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
“Điểm mới nổi bật của Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) là bỏ rào cản địa giới hành chính giữa các tỉnh, TP. Hiện các BV chia thành 3 tuyến là tuyến cơ sở ban đầu, tuyến điều trị cơ bản và tuyến điều trị chuyên sâu. Với chính sách mới này, người dân đăng ký bảo hiểm y tế ở tuyến nào sẽ thông với tuyến đó trên toàn quốc, không cần giấy chuyển viện như trước nữa” - ông Thành nói.

Sau 1-7, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Lê Văn Thịnh đã tăng 3-5% so với trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Tại BV Ung Bướu TP.HCM, chính sách mới cho phép người mắc bệnh nặng, tiến triển nhanh như ung thư tụy, ung thư di căn não hay khoảng 10 nhóm bệnh lý đặc biệt khác, được điều trị ngay mà không cần xin giấy chuyển tuyến. Chỉ cần có chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế suốt quá trình điều trị.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết kể từ sau ngày 1-7, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV đã tăng 3-5% so với trước. Nguyên nhân chính là do chính sách bảo hiểm y tế đã được thông tuyến toàn quốc ở tuyến khám chữa bệnh ban đầu, cho phép bệnh nhân từ các tỉnh thành khác đến khám tại BV mà vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.
Không chỉ người dân TP.HCM, mà cả công nhân, người lao động từ các tỉnh khác đang làm việc tại TP.HCM cũng có thể BV này khám chữa bệnh, nhất là khi chi phí điều trị ngày càng được bảo hiểm y tế hỗ trợ nhiều hơn.
Đặc biệt, từ 1-7, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng được mở rộng. Tỉ lệ chi trả khi khám đúng tuyến tăng từ 90-92% giúp người dân yên tâm đi khám, điều trị sớm.
“Lượng bệnh nhân có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, BV đã chủ động rà soát quy trình khám chữa bệnh, tăng cường nhân lực và áp dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian chờ đợi của người dân, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế" - BS Khanh chia sẻ thêm.
Hàng chục ngàn người TP.HCM tiếp tục được hỗ trợ đóng BHYT
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi trao đổi với bảo hiểm xã hội khu vực XXVII về thông tin phản ánh nguyện vọng của người dân thuộc khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (trước sáp nhập) mong tiếp tục được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII cho biết tiếp tục thực hiện đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các nhóm đối tượng do ngân sách địa phương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương (trước sáp nhập).
Đây là tín hiệu tích cực, giải tỏa lo lắng cho hàng chục ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi từng sinh sống tại hai địa phương trên.
Trước đó, vào ngày 4-7, bảo hiểm xã hội khu vực XXVII đã báo cáo UBND TP.HCM về việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ trên, đảm bảo quyền lợi cho người dân cho đến khi Nghị quyết hết thời hạn hoặc có văn bản thay thế.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giai đoạn 2020–2024), HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết hỗ trợ học sinh, sinh viên, người từ đủ 65 tuổi trở lên…tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo thống kê, tỉnh hiện còn 1,722 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với số tiền hơn 2,27 tỉ đồng và hơn 52,200 người tham gia bảo hiểm y tế với số tiền gần 33 tỉ đồng cần tiếp tục được hỗ trợ.
Còn tại tỉnh Bình Dương, từ năm 2012 đến nay, tỉnh cũng đã ban hành 2 nghị quyết và thực hiện Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.