TP.HCM đang lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu
Người trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM đã nhận được phiếu lấy ý kiến người dân về hai nội dung: phương án sáp nhập cấp tỉnh và phương án sắp xếp cấp xã (phường), trong khi một số nơi vẫn đang chờ phương án chốt mới tổ chức lấy ý kiến.
Trong hôm nay (13-4), nhiều người dân trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM đã nhận được phiếu lấy ý kiến người dân về hai nội dung: phương án sáp nhập cấp tỉnh và phương án sắp xếp cấp xã (phường).

Phương án sắp xếp 34 phường hiện hữu thành 12 phường mới của TP Thủ Đức. Ảnh: TP Thủ Đức
Tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, hiện địa phương đang thực hiện lấy ý kiến phương án sáp nhập cấp tỉnh, trong đó sáp nhập toàn diện tích tự nhiên và dân số của TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thành lập TP.HCM (mới).
Cùng với đó, tổ chức lấy ý kiến về phương án sắp xếp cấp xã, nhập nguyên trạng 2 phường: Linh Trung, Linh Xuân và phần còn lại của phường Linh Tây thành đơn vị hành chính mới, có diện tích 12,29 km2, quy mô dân số là 153.725 người; lấy tên là phường Linh Xuân.
Tương tự, hiện người dân phường Trường Thọ cũng đã nhận được phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập, đơn vị hành chính cấp tỉnh và việc nhập phường Trường Thọ, Bình Thọ, Linh Chiểu, một phần phường Linh Đông, một phần phường Linh Tây và đặt tên đơn vị hành chính mới là phường Thủ Đức.


Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập, đơn vị hành chính cấp tỉnh và việc nhập phường Trường Thọ, Bình Thọ, Linh Chiểu, một phần phường Linh Đông, một phần phường Linh Tây và đặt tên đơn vị hành chính mới là phường Thủ Đức. Ảnh: Người dân cung cấp.
Mới đây, UBND TP Thủ Đức gửi tờ trình về UBND TP.HCM và Sở Nội vụ, đề xuất phương án sắp xếp 34 phường hiện hữu thành 12 phường mới, trong đó có 5 phường đặt tên mới và 7 phường giữ lại tên phường cũ.
Theo phương án được niêm yết lấy ý kiến cử tri trên cổng thông tin của TP Thủ Đức, sau sáp nhập cấp tỉnh, đơn vị hành chính mới là TP.HCM sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, hình thành trên cơ sở sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện tại.
Theo đó, đơn vị hành chính mới sẽ được hình thành dựa trên cơ sở thực hiện song hành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở. Bảo đảm sau sắp xếp, TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phát huy tiềm năng, lợi thế của 3 tỉnh, thành về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
TP.HCM sau sắp xếp, sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.700km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, có 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Các ĐVHC cùng cấp liền kề gồm Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận.
Các trung tâm hành chính, chính trị của TP.HCM được đặt tại địa chỉ 86 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM; cơ sở 2 tại Trung tâm Hành chính Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP Thủ Dầu Một; cơ sở 3 tại Trung tâm Hành chính Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa.
Nhiều địa phương vẫn đang chờ phương án chốt
Trong khi đó, trao đổi với PLO.VN, một số quận, huyện cho biết chưa triển khai thực hiện lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập phường, xã trên địa bàn quận, huyện cũng như chưa lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Quận đang chờ TP.HCM chốt phương án sắp xếp phường mới triển khai cả 2 phiếu lấy ý kiến” - lãnh đạo Phòng Nội vụ một quận trên địa bàn TP.HCM cho biết.
Theo vị này, sau khi nhận hướng dẫn của Sở Nội vụ, quận đã liên lạc trao đổi với Sở và thống nhất chuẩn bị trước các khâu, để sau khi có phương án chính thức về việc sắp xếp phường, xã sẽ tiến hành lấy ý kiến.
Lãnh đạo một phường trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết phường này chưa thực hiện lấy ý kiến người dân. “Hiện TP.HCM chưa chốt phương án sáp nhập phường nào vào phường nào và tên gọi phường mới nên chưa thực hiện” - vị này nói và thông tin phường đang chờ TP.HCM quyết phương án mới triển khai lấy ý kiến người dân được.
Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM vừa có hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri về triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Thời gian lấy ý kiến cử tri dự kiến thực hiện từ ngày 12-4 và được thực hiện đối với đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn.
Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM; đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì lấy ý kiến cử tri ở những ĐVHC cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Việc lấy ý kiến cử tri nhằm thực hiện 4 kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
Tại hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa diễn ra, Trung ương Đảng thống nhất phương án sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố còn 28 tỉnh và 6 thành phố; thống nhất giảm 60 - 70% số xã, xây dựng chính quyền 2 cấp.