TP.HCM đang nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong

Tỷ lệ tử vong tại TP.HCM có sự gia tăng so với tuần trước nhưng Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định tuần tới tỷ lệ này sẽ giảm và ngành y tế đang nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu này.

Rút kinh nghiệm dịp 30/4, tránh để người dân ra đường đông dịp lễ 2/9

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngày 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Theo Thủ tướng, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tiếp tục quán triệt sâu sắc các cấp chính quyền, nhất là tại cấp cơ sở về tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86, Công điện số 1099 ngày 22/8 và Công điện 1102 ngày 23/8.

Tăng cường thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng chỉ đạo tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng an sinh, bảo đảm tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong thời gian nghỉ lễ và thực hiện giám sát xã hội.

Đối với các địa phương khác, Thủ tướng yêu cầu tăng cường áp dụng và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là thông điệp 5K; kiên quyết dừng tổ chức các lễ hội, tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động tại các khu vực công cộng, các cơ sở vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, địa điểm tâm linh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không cho tụ tập đông người tại các địa điểm này.

Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức ứng trực 24/24 đối với các lực lượng tham gia chống dịch để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30/4.

Phát hiện 30 F0 ra đường tại chốt kiểm soát

Chiều 31/8, tại buổi họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh Covid-19, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay có hai vấn đề dư luận đang rất quan tâm. Đó là tình hình lưu thông trong thời gian TP tăng cường các biện pháp giãn cách và khai báo y tế thông qua phần mềm của Bộ Công an.

Theo ông Hà, lưu lượng tham gia giao thông những ngày gần đây ổn định, không tăng giảm đột biến, không có ùn tắc tại các chốt kiểm tra.

Liên quan đến việc khai báo y tế "di chuyển nội địa", ông Hà cho hay, nhờ có việc khai báo y tế thông qua quét mã QR thời gian qua, Công an TP đã phát hiện được 30 F0 di chuyển trên đường qua các chốt.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện 2 vụ làm giấy giả đi đường của công an tại quận 10 và quận 12. Công an TP đang điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Để thuận tiện cho việc di chuyển, Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị tất cả người dân nên khai báo y tế tại nhà, trước khi di chuyển ra đường và lưu lại mã QR. Khi đến chốt kiểm soát, chỉ cần xuất trình mã QR là đi, tránh việc tụ tập đông người không an toàn tại chốt.

Cũng theo ông Hà, hiện nay Công an TP đang phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan nghiệp vụ khác cập nhật dữ liệu F0 vào dữ liệu dân cư. Trong bối cảnh F0 trong cộng đồng nhiều như hiện nay, việc khai báo y tế sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ngay F0 ra đường để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Người dân khai báo qua mã QR code khi ra đường ở TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Người dân khai báo qua mã QR code khi ra đường ở TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Trao đổi thêm về việc một số cán bộ công an cầm điện thoại của người dân để quét mã QR có an toàn hay không? Thượng tá Hà cho biết, lực lượng công an là lực lượng tuyến đầu nên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Hàng tuần, lực lượng này cũng phải xét nghiệm, khi ra trực chốt tất cả lực lượng cũng phải xét nghiệm nên nguy cơ lây nhiễm cho người dân là ít.

Tuy nhiên, việc cán bộ công an cầm điện thoại của người dân cũng có nguy cơ, do vậy, Công an TP sẽ quán triệt lại theo hướng không cần thiết cầm điện thoại mà chỉ cần người dân trình ra quét mã QR. Mặt khác, Công an TP cũng đang triển khai phần mềm tích hợp camera để người dân đi qua chốt chỉ cần đưa mã QR vào camera là được đi.

Tỉ lệ tử vong cao do số lượng bệnh nhân lớn

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, số lượng ca tử vong lại tăng sau 1 tuần giảm rõ rệt. Cụ thể, ngày 22/8 có 340 ca tử vong, sau đó liên tục giảm đến ngày 29/8 chỉ còn 245 ca. Tuy nhiên, đến ngày 30/8, số tử vong lại tăng lên 335 ca.

Chia sẻ về điều này, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận, tính từ 1/1 đến nay, TP có 9.204 ca tử vong. Nếu tính trên số lượng 158.260 ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện thì tỉ lệ tử vong khi điều trị tại bệnh viện là 5,8%. Nếu tính trên tổng số toàn bộ F0 (158.260 ca điều trị tại bệnh viện và 59.093 F0 điều trị tại nhà) thì tỉ lệ tử vong khoảng 4,2%.

Còn tại các bệnh viện, tỉ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,4%, trong khi đó tỉ lệ tử vong ở tầng 3 là 32%.

“Theo tổ chức Y tế Thế giới, tùy từng giai đoạn, có những nơi tỉ lệ tỉ tử vong dao động khoảng 2,1 đến 4,4%. TP.HCM có tỷ lệ tử vong 4,2% đang nằm trong giới hạn cao. Đây là điều mà ngành Y tế thành phố đang tìm mọi cách để cố gắng làm giảm tỉ lệ tử vong này”, ông Châu cho hay.

Phó Giám đốc Sở Y tế giải thích thêm, số ca tử vong có sự dao động, tăng hơn so với những ngày trước bởi khi có trường hợp dương tính thì sẽ có độ trễ.

Thông thường, 80% người mắc bệnh tới ngày thứ 5, thứ 6 sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân từ ngày thứ 7 đến thứ 10 trở đi sẽ có chuyển biến nặng, đặc biệt là tổn thương ở đường hô hấp, trong đó sẽ có trường hợp rất nặng mà không thể chữa được.

Do đó, ông Châu nhận định, trong một vài ngày tới, thậm chí là cả tuần tới số lượng tử vong mới có thể giảm đi.

Cần 8,1 triệu liều vắc xin trong năm 2021

Chiều 31/8, tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin, ngày 28/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ban hành kế hoạch 2917/KH-BCĐ về tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại TP.HCM.

Cụ thể, cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn (theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tính tới ngày 30/6/2021).

TP.HCM tiêm vắc xin đạt 300.000 mũi một ngày. Ảnh: Thanh Tùng

TP.HCM tiêm vắc xin đạt 300.000 mũi một ngày. Ảnh: Thanh Tùng

Đối tượng tiêm vắc xin là toàn bộ người dân trên địa bàn TP trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vắc xin, trong đó tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng sau:

Người cao tuổi; người có bệnh lý nền; thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên và bà mẹ đang cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông...).

TP dựa trên yêu cầu bao phủ vắc xin cho người dân và quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều, chia thành 4 giai đoạn tiêm (từ ngày 29/8 đến 31/12/2021), với tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 8,1 triệu liều.

Về kế hoạch tiêm vắc xin nói trên, ông Hải cho rằng có 5 vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, nguyên tắc là vắc xin do Bộ Y tế phân bổ, TP.HCM không trả lời chính xác thời điểm nhận vắc xin. Thứ hai, lần 1 tiêm vắc xin gì, lần hai sẽ tiêm vắc xin tương thích. Thứ ba, vắc xin tốt nhất là vắc xin sớm nhất. Về vấn đề này, ông Hải thông tin thêm, vẫn còn người chờ đợi, hờ hững. Người dân cần hiểu, tiêm vắc xin là quyền lợi và trách nhiệm, vì bản thân, vì cộng đồng và tiêm để đạt được miễn dịch cộng đồng;

Thứ tư, vận động bà con đi tiêm, có thể tiêm tại chỗ, có thể mời bà con tới điểm tiêm. Thứ năm, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng Chỉ thị 16, nhưng cũng không thể bỏ ngay giãn cách xã hội khi không đủ điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng là tiêm vắc xin.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-dang-no-luc-giam-ty-le-tu-vong-770906.html