TP.HCM: Dành gần 50 tỷ đồng chăm lo, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn
Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn dành nguồn lực lớn để hỗ trợ, cải thiện đời sống của người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngày 19/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng kinh phí thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/5/2022 đến hết năm 2023 là gần 50 tỷ đồng.
Trong số đó, kinh phí chi hỗ trợ tiền hàng tháng, cấp hơn 1.300 thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho các nhóm đối tượng tính từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/7/2023 hơn 27,1 tỷ đồng và uớc thực hiện kinh phi chi hỗ trợ các nhóm đối tượng đến cuối năm 2023 hơn 22,1 tỷ đồng.
Về đối tượng hưởng chính sách, tính từ ngày 1/5/2022 đến 31/7/2023, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã xét duyệt và chi trả cho 3.500 người (trong đó nữ chiếm tỷ lệ 60,54%).
Trong số đó, nhóm 1 có hơn 1.500 người cao tuổi (1.175 nữ, chiếm tỷ lệ 75,9%) với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 10,4 tỷ đồng.
Nhóm 2 có 338 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo (nữ chiếm tỷ lệ 65,08%) với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Ở nhóm 3 có 3 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi; sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã mất đã thực hiện tổng kinh phí hỗ trợ hơn 26,2 triệu đồng.
Ở nhóm 4 có hơn 1.000 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ nghèo (nữ chiếm tỷ lệ 47,08%) đã thực hiện tổng kinh phí hỗ trợ hơn 10,5 tỷ đồng và nhóm 5 có 581 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ cận nghèo (nữ chiếm tỷ lệ 40,96%) đã thực hiện tổng số kinh phí hỗ trợ hơn 4,1 tỷ đồng…
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 02 của Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang tập trung khắc phục hậu quả dịch COVID-19.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn dành một nguồn lực lớn để hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo độ bao phủ cả về chuyên môn và quá trình phối hợp thực hiện chính sách; nhiều địa phương sáng tạo và nỗ lực đảm bảo phù hợp với nhóm đối tượng và địa bản, đặc điểm dân cư.
“Điểm mới của Nghị quyết 02 của Hội đồng Nhân dân thành phố là hỗ trợ cho các nhóm đối tượng “cận kề các tiêu chí” của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, nhưng các nhóm đối tượng không được hưởng chế độ, do đó Nghị quyết số 02 đã trợ giúp kịp thời cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn trong cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau," ông Nguyễn Tăng Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện người dân di biến động chỗ ở sau dịch COVID-19; nhân sự phụ trách ở các địa phương thiếu, thay đổi liên tục nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cập nhật, rà soát, xét duyệt các nhóm đối tượng hưởng chính sách đặc thù.
Ngoài ra, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề như: khai sinh trẻ em không có tên cha mẹ; trẻ em mồ côi đang sống với người thân, mặc dù có mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo, cận nghèo nhưng không đủ điều kiện hưởng chính sách do không thể xác định trẻ em mồ côi, hộ dân lao động, hộ dân mới nhập cư…
Đặc biệt, tại nhiều địa phương phát hiện trường hợp trẻ em, người cao tuổi, người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thực tế nằm ngoài các nhóm đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội như: người cao tuổi từ 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo sống tại khu sinh quyển rừng ngập mặn; trẻ em có cha, mẹ là đối tượng hưởng bảo trợ xã hội; trẻ có cha, mẹ đang chấp hành án phạt tù...
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, việc thành phố dành hàng chục tỷ đồng để chi hỗ trợ 5 nhóm đối tượng (theo Nghị quyết số 02) đã được các cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ, người dân và các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá rất cao về tính kịp thời của chính sách và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là khi nguồn lực từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn lực từ mạnh thường quân trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn thành phố trong hai năm gần đây có xu hướng giảm sâu…/.