TP.HCM: Đấu thầu khai thác xe buýt đang khởi sắc

Sở GTVT TP.HCM cho rằng đấu thầu xe buýt dựa trên bộ chỉ số KPI sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao dịch vụ, hiệu quả kinh tế từ xe buýt.

Ngày 13-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP sẽ phát huy được tính cạnh tranh trong việc đảm nhận dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, khuyến khích những nhân tố mới tham gia vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng với mục tiêu ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và sử dụng hiệu quả ngân sách TP”.

Ứng dụng bộ chỉ tiêu KPI vào đấu thầu xe buýt

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (trung tâm), TP.HCM hiện có 12 đơn vị vận tải hoạt động trên 90 tuyến xe buýt có trợ giá. Những năm qua, hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn TP được thực hiện theo phương thức đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Với hình thức này, mỗi năm Nhà nước phải tính toán lại phần trợ giá, chỉ tiêu.

Theo trung tâm, trước đây có một số gói thầu đơn vị đã mời thầu hai lần nhưng không có nhà thầu tham dự. Qua đánh giá, nguyên nhân chính là thời gian thực hiện hợp đồng đấu thầu ngắn nên một số nhà thầu chưa tham gia.

Do đó, trung tâm nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng (KPI - hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất) để áp dụng vào các tuyến đấu thầu.

Qua đó, hồ sơ mời thầu trên bốn tuyến xe buýt (01, 15, 65 và 152) đã có sự thay đổi tích cực từ quy mô mỗi gói chỉ có một tuyến thành mỗi gói có nhiều tuyến khác nhau phân chia theo khu vực.

Trung tâm cho biết quy mô gói thầu được mở rộng thành nhiều tuyến khác nhau đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải phải chủ động, tính toán các phương án tham gia dự thầu.

Mặt khác, khi đồng thời có nhiều nhà thầu cùng quan tâm và tham gia dự thầu thì sẽ có sự cạnh tranh về giá nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt chất lượng. Như vậy hiệu quả về mặt kinh tế càng được thể hiện rõ ràng hơn.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, trung tâm đánh giá, chấm điểm chất lượng dịch vụ theo bộ chỉ tiêu KPI làm cơ sở thanh toán kinh phí trợ giá tương ứng với chất lượng dịch vụ cung ứng.

Vừa qua, TP.HCM đấu thầu thành công bốn tuyến xe buýt (số 01, 15, 65 và 152). Ảnh: T.TRINH

Vừa qua, TP.HCM đấu thầu thành công bốn tuyến xe buýt (số 01, 15, 65 và 152). Ảnh: T.TRINH

“Phủ sóng” đấu thầu xe buýt trong hainăm

Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết theo quy định, việc cung ứng dịch vụ trên các tuyến xe buýt có trợ giá được thực hiện bằng một trong hai hình thức là đặt hàng hoặc đấu thầu.

“Đối với hình thức đấu thầu, các doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô loại hình vận tải xe buýt đều được đăng ký tham gia đấu thầu. Tùy thuộc vào quy mô của từng gói thầu và đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời đấu thầu sẽ yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm và các yêu cầu khác đối với nhà thầu tham dự” - ông Hoàn thông tin.

Đại diện một đơn vị chuẩn bị tham gia đấu thầu gói số 2 cho biết với tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều xe cá nhân tăng mạnh nên mọi tính toán sẽ không như dự báo trên hồ sơ tham gia đấu thầu. Do vậy, khi đấu thầu đơn vị phải tính toán rất thận trọng về các chi phí, khấu hao xe mới… nếu hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

Ngoài ra, đại diện đơn vị này còn cho rằng: “Hình thức đấu thầu tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng theo Nghị định 32/2019 (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) là đúng chủ trương, phù hợp với sự phát triển của xã hội”.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, đánh giá: “Cơ chế đấu thầu là động lực tích cực để phát huy tính cạnh tranh trong hoạt động vận tải. Thông qua đấu thầu, lựa chọn được đơn vị có năng lực, quy mô đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách với giá vé không đổi. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu và lợi nhuận để an tâm nâng cao chất lượng dịch vụ”.

Ông Hưng cho biết tiếp theo thành công từ công tác đấu thầu bốn tuyến trên, trung tâm đang tổ chức đấu thầu hai tuyến số 4 và 43 có áp dụng bộ chỉ tiêu KPI. Mục tiêu trong năm 2021 sẽ tiếp tục khảo sát lập phương án tuyến, trình phê duyệt làm cơ sở để tổ chức đấu thầu 39 tuyến tiếp theo.

“Ngoài ra, trong giai đoạn 2022-2023, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các tuyến còn lại nhằm hoàn tất công tác đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực đảm nhận khai thác” - ông Hưng nói.•

Bốn tuyến xe buýt có “chủ nhân” mới

Sáng 28-4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tổ chức lễ bàn giao khai thác bốn tuyến xe buýt 01, 15, 65, 152 cho liên danh Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến và Hợp tác xã Vận tải số 28 (liên danh Bảo Yến - HTX 28).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến, cho biết doanh nghiệp trúng thầu bốn tuyến xe buýt với giá 130 tỉ đồng trong năm năm. Với dự toán này, doanh nghiệp phải cân đối, tính toán phù hợp trong thời gian khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Ngân hàng Thế giới. Ngoài việc đầu tư các xe buýt mới, công ty sẽ chú trọng nguồn nhân lực, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tphcm-dau-thau-khai-thac-xe-buyt-dang-khoi-sac-985051.html