TP.HCM đề xuất gì trong quá trình thực hiện quy hoạch?

TP.HCM đang có hai quy hoạch: Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch tỉnh, quy hoạch kinh tế xã hội) và Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 của địa phương.

Trong đó có nêu những vướng mắc trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

 TP.HCM gặp khó trong quá trình thực hiện hai quy hoạch cùng lúc. Ảnh: AT

TP.HCM gặp khó trong quá trình thực hiện hai quy hoạch cùng lúc. Ảnh: AT

TP.HCM vẫn muốn giữ hai quy hoạch

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác lập quy hoạch cũng như được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung Ương. Tuy nhiên, còn một số vấn đề mà TP cần tiếp tục phải cải thiện, trong đó công tác lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch còn chậm so với các địa phương khác.

Cùng với đó, TP.HCM đang lập đồng thời hai quy hoạch: Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

"Hai quy hoạch trên được lập theo 2 Luật (Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị) với thời kỳ quy hoạch khác nhau. Bên cạnh đó, nội dung giữa hai quy hoạch này chưa được phân định thực sự rõ ràng đối với đô thị lớn như TP.HCM. Những nội dung trên cũng dẫn tới quá trình thực hiện còn lúng túng", báo cáo của UBND TP nêu.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khóa XV giải thích về hai quy hoạch này.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị thì Quy hoạch chung TP trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở TP trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở.

Về bản chất thì quy hoạch tỉnh là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Trong khi đó, quy hoạch chung đô thị là việc tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội cho một đô thị. Về mức độ thì quy hoạch tỉnh không đi vào không gian vật thể chi tiết; còn quy hoạch chung đô thị tập trung vào không gian có vật thể chi tiết như dân số, mật độ dân, tọa độ, cao độ, tuyến đường, ranh giới. Quy hoạch tỉnh không có hệ thống quy hoạch chuẩn, tiêu chuẩn riêng nhưng quy hoạch chung đô thị thì có.

Quy hoạch tỉnh bám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phúc lợi xã hội, còn quy hoạch chung đô thị bám vào chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tương ứng các loại đô thị, phân cấp đô thị. Vì những lý do đó, TP.HCM thống nhất tiếp tục lập Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị đối với TP trực thuộc trung ương.

Nên tích hợp hai quy hoạch làm một

Trao đổi với phóng viên PLO, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cho rằng nên bỏ quy hoạch tỉnh (quy hoạch kinh tế xã hội) đối với TP trực thuộc Trung ương như TP.HCM.

 TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM.

Ông Cương lý giải, quy hoạch tỉnh hay còn gọi là quy hoạch kinh tế xã hội chung của tỉnh, còn quy hoạch chung là quy hoạch chung về xây dựng của toàn TP.HCM.

Theo đó, giai đoạn đầu của quy hoạch chung xây dựng là nghiên cứu về kinh tế xã hội để đưa ra các chỉ tiêu quy hoạch. Vô hình trung, giai đoạn này trùng với nội dung của quy hoạch tỉnh (quy hoạch kinh tế xã hội).

Cụ thể, đối với quy hoạch tỉnh sẽ có phần nghiên cứu về kinh tế xã hội để đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, song quy hoạch chung xây dựng cũng có bước phát triển này để phục vụ quy hoạch không gian, phát triển. Chưa kể, đoạn sau của quy hoạch này cũng có nội dung kiến nghị về không gian phát triển, tiếp tục trùng với nội dung của quy hoạch chung xây dựng.

Mặc dù nội dung của hai quy hoạch này có những bước đi khác nhau chút ít, song nhìn chung quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung xây dựng có sự trùng lấp nhất định

TS Võ Kim C ương

Theo quan điểm của TS Võ Kim Cương, quy hoạch suy cho cùng chỉ là dự báo, pháp lý hóa quan trọng nhất đối với quy hoạch chung xây dựng là tạo sự ràng buộc làm tiền đề tạo ra quy hoạch không gian, quy hoạch chi tiết…điều này có tính pháp lý quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân.

Còn quy hoạch tỉnh vẫn chỉ mang tính định hướng, quy hoạch số là chính. Phần kinh tế xã hội trong quy hoạch tỉnh không có tính pháp lý cao, gần như chỉ có tính minh họa cho ý tưởng phát triển kinh tế xã hội.

Trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở để làm quy hoạch chung xây dựng. Tức là quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho quy hoạch chung xây dựng, phần nghiên cứu kinh tế xã hội trong quy hoạch chung xây dựng có phần nhẹ nhàng hơn, chỉ căn cứ vào các nội dung đã duyệt trong quy hoạch chung.

Từ đó, có thể thấy thay vì làm hai quy hoạch thì TP.HCM nên làm một quy hoạch duy nhất, hoặc là quy hoạch tỉnh hoặc là quy hoạch chung, quy hoạch chung xây dựng sẽ có liên hệ trực tiếp tới quy hoạch chi tiết, không gian.

Ông Cương đề xuất TP.HCM hoàn toàn có thể dùng một tên gọi “Quy hoạch chung phát triển TP.HCM” – quy hoạch này đã tích hợp cả quy hoạch tỉnh vào trong đó, quy hoạch chung phát triển TP.HCM sẽ bao gồm cả nội dung quy hoạch tỉnh theo Luật và nội dung quy hoạch xây dựng theo Luật quy hoạch.

Ông Cương cho biết cũng đã từng có kiến nghị nên nhập hai quy hoạch làm một, đối với một TP như TP.HCM chỉ nên dừng lại ở việc lập quy hoạch chung xây dựng đô thị là đủ, không chỉ ở TP.HCM mà kể cả các TP khác như Hà Nội hoàn toàn có thể làm một quy hoạch như thế.

“Tuy nhiên, đó chỉ mới là đề nghị, muốn thực hiện phải có thể chế hóa. Nhưng nhìn chung, việc rút bớt một quy hoạch sẽ giảm bớt kinh phí, nguồn lực cho TP, cho Nhà nước, tạo điều kiện tối đa vào việc tập trung phát triển một quy hoạch duy nhất” – ông Cương đề xuất.

 TP.HCM muốn thực hiện song song 2 quy hoạch.

TP.HCM muốn thực hiện song song 2 quy hoạch.

Vào cuối tháng 4, trong Hội thảo góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM cho biết TP.HCM có 3 quy hoạch không giống nhau, không phục vụ cho nhau.

Đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế xã hội, 3 quy hoạch tưởng là tương đồng, tưởng là phục vụ cho nhau nhưng thực tế đang ‘chỏi’ nhau, ông Trí nói.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-de-xuat-gi-trong-qua-trinh-thuc-hien-quy-hoach-post819634.html