TP.HCM: Đề xuất khai thác cát tại vùng biển Cần Giờ để làm dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa trình Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chủ trương cho phép Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện khai thác cát tại khu vực vùng biển Cần Giờ đề phục vụ dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Theo UBND TP.HCM, dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô lớn, là dự án trọng điểm của Thành phố, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng từ 600 ha thành 2.870 ha theo Quyết định 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020.

Việc dùng cát biển (cát nhiễm mặn) tại các mỏ cát trên khu vực biển Cần Giờ đã được Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thăm dò, đánh giá trữ lượng để san lấp mặt bằng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trước khi khai thác các mỏ cát trên khu vực biển Cần Giờ, Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ cần thực hiện đánh giá tác động môi trường và một số thủ tục khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, thời hạn cấm khai thác khoáng sản và dự trữ khoáng sản tại quy hoạch ban hành theo Quyết định số 430/QĐ-UDND của UBND TP.HCM đã hết hiệu lực (quy hoạch đến năm 2020), Do đó để có cơ sở giải quyết đề xuất của Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ, UBND Thành phố trình Ban cán sự đảng UBND Thành phố thông qua và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố có chủ trương cho phép Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ được khai thác cát tại 10 mỏ cát Công ty đã thực hiện thăm dò để phục vụ Dự án Khu đô thị du lịch lẫn biển Cần Giờ.

Rừng ngập mặn huyện đảo Cẩn Giờ, TP.HCM. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Rừng ngập mặn huyện đảo Cẩn Giờ, TP.HCM. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, khối lượng cát đắp nền phục vụ cho dự án khoảng 137.616.000 m³. Dự kiến nguồn cát san lấp này được lấy từ các mỏ cát đã được khảo sát, thăm dò trên vùng biển Cần Giờ, từ lượng đất đào biển hồ nhân tạo, từ vùng biển lân cận và nguồn vật liệu từ nơi khác.

Từ năm 2006 đến 2019, UBND Thành phố đã cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoảng sản 10 mỏ cát (cát nhiễm mặn) cho Công ty Có phản đô thị du lịch Cần Giờ trên vùng biển Cần Giờ với tổng trữ lượng là hơn 27 triệu m³ (chiếm khoảng 20% nhu cầu dự án). Tuy nhiên, do đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý khác liên quan đến Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nên chưa có hoạt động khai thác khoáng sản để phục vụ cho nhu cầu san lấp dự án.

Liên quan đến việc phát triển kinh tế xã hội tại huyện đảo Cần Giờ, vừa qua Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, thống nhất thông qua nội dung đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Định hướng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đặt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.

Trong khi đó, UBND TP.HCM cũng vừa gửi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cử rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là khu đất ngập nước trở thành khu Ramsar. Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng và nơi cư trú, sinh sống cho nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học, đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương cũng như các vùng lân cận. Đặc biệt, vùng đất ngập nước Cần Giờ gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-de-xuat-khai-thac-cat-tai-vung-bien-can-gio-de-lam-du-an-khu-do-thi-du-lich-lan-bien-can-gio-159745.html