TP.HCM: Đề xuất thu phí lòng đường để giữ xe cao nhất 350.000 đồng m2/tháng
Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách TP.HCM khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm.
Ngày 13/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM”.
Theo dự thảo Đề án do Sở GTVT TP.HCM xây dựng, TP.HCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy và xe đạp là 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 2 (quận 2 cũ, quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 3 (các quận 9, Thủ Đức cũ, quận 8, quận 12, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè) có mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động kinh doanh là 20.000đ/m2/thán; ,ức thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 5 (huyện Cần Giờ) mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động kinh doanh là 20.000đ/m2/tháng và mức thu phí trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, Sở đã tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình quản lý của các thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Việc xây dựng đề án không đơn giản là bài toán quản lý giao thông. Mục tiêu không chỉ là tạo nguồn thu ngân sách, mà còn tăng cường thiết lập quản lý đô thị. Về mức phí, Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân Thành phố, đồng thời sẽ quy định thêm khu vực nào được thuê, thuê vào việc gì, làm cách nào được thuê”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay.
Đồng tình với đề án, luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP.HCM cho biết, hệ thống giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe) ở TP.HCM hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để làm bãi đỗ xe sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, việc thu phí được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ.
“Đề án đã tính được phần thu thì cũng phải tính được phần chi rõ ràng. Chúng tôi đề xuất dự thảo đề án bổ sung tỷ lệ % trích để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí", bà Hòa cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh cho biết, trước khi tham dự hội nghị, bà đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh 40 trường hợp, trong đó có 10 đại diện doanh nghiệp, 10 người đi bộ và 20 người kinh doanh vỉa hè. Qua khảo sát cho thấy có 80% ý kiến "trăn trở" về đề án này.
“Đa số người được hỏi cho rằng hiện nay khi chưa triển khai cho thuê lòng đường, vỉa hè mà tình trạng lấn chiếm đã tràn lan vàn không được xử lý dứt điểm, vậy thì làm sao dám đảm bảo rằng khi cho thuê sẽ đảm bảo được trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị? Hạ tầng giao thông ở TP.HCM đang quá tải, hè phố và lòng đường bị chiếm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến lưu thông", bà Sáu cho biết.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban Tư vấn dân chủ, pháp luật thuộc Ủy ban MTTQVN quận 1 nhìn nhận: Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi ở TPHCM. Lực lượng chức năng rất vất vả trong việc quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra. Do đó, việc thu phí vỉa hè được nhiều người dân đồng tình với kỳ vọng đưa hoạt động này vào quản lý có khuôn khổ, tuy nhiên, ngoài việc thu phí, phải chú ý đến mỹ quan đô thị.
Theo bà Lợi, cần phải quan tâm tính toán lại việc phân cấp quản lý, lực lượng quản lý thu phí vỉa hè, bởi lẽ cán bộ công chức, viên chức ở các phường hiện tinh giản biên chế, mức lương lại không cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên ưu tiên cho người dân trên địa bàn được thuê và quản lý sử dụng lòng đường vì người dân ở khu vực khác đến buôn bán sẽ khó quản lý hơn.
Các trường hợp nộp phí
Theo Sở GTVT TP.HCM, các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phù hợp với quy định của TP.HCM để:
Làm điểm trông, giữ xe có thu phí; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ những hoạt động tổ chức theo kế hoạch của UBND TP.HCM, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước).
Làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị
Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; làm điểm lắp đặt các công trình tạm dưới lòng đường, trên vỉa hè, giải phân cách, tiểu đảo, trong hành lang an toàn giao thông.
Phạm vi áp dụng với các tuyến đường (bao gồm lòng đường, hè phố, tiểu đảo, dải phân cách, hành lang an toàn giao thông đường bộ) trên địa bàn TP.HCM được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận được phép sử dụng.