TP.HCM: Doanh nghiệp đẩy mạnh tour, tuyến, đánh thức tiềm năng du lịch sông nước

Chuỗi hoạt động trải nghiệm đi kèm với các chương trình kích cầu giảm giá vé… đánh dấu hướng phát triển mới, giúp doanh nghiệp khai thác giá trị tài nguyên sông, biển của TP.HCM.

Đẩy mạnh tour, tuyến về sản phẩm sông nước

Qua Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TP.HCM sẽ có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc hơn để du lịch đường sông không chỉ là “tiềm năng” mà trở thành sản phẩm tạo sự khác biệt.

Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour, tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.

Doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm du lịch thông qua Lễ hội Sông nước TP.HCM để kích cầu du lịch.

Doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm du lịch thông qua Lễ hội Sông nước TP.HCM để kích cầu du lịch.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, với sản phẩm tour chính là các tuyến tham quan sông Sài Gòn bằng du thuyền, mỗi tháng doanh nghiệp triển khai được khoảng 3-4 đoàn khách, tùy thời điểm.

Theo bà Thu, so với năm 2019, lượng khách hiện vẫn chưa thể so sánh với thời điểm trước dịch nhưng hiện nay, lượng khách inbound nói chung và khách tham gia tour du ngoạn sông Sài Gòn nói riêng có xu hướng tăng khá tốt, đặc biệt có tiềm năng với cả cả du khách nội địa và quốc tế.

“Các chương trình tham quan sông nước Sài Gòn là một trong những sản phẩm khá đặc sắc được Công ty giới thiệu trong dịp này và đi kèm với chùm city tour đến du khách như một câu chuyện về thành phố hơn 300 năm tuổi từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Do đó, khi tham gia chương trình kích cầu du lịch TP.HCM, Vietluxtour sẽ có ưu đãi giảm giá 15%/sản phẩm từ tháng 7-11/2023”, bà Thu chia sẻ.

Về tour du lịch quận, huyện kết hợp với sản phẩm du lịch sông nước, Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt đang khai thác sản phẩm trên kênh Nhiêu Lộc với tour Sử xanh, Lãng mạn trên dòng kênh huyền thoại… hay tour Ngắm hoàng hôn trên sông trong sản phẩm du lịch quận 4, tham quan khu bến cảng tại tour huyện Nhà Bè… Song song, doanh nghiệp tiếp tục khai thác các sản phẩm đã được hình thành và phát triển tại huyện Củ Chi và đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ thông qua phương tiện cano…

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt chia sẻ: “Nhân Lễ hội Sông nước, từ ngày 1-15/8, doanh nghiệp sẽ có các chương trình ưu đãi giảm giá từ 10-15% cho từng sản phẩm du lịch đường sông”.

Doanh nghiệp kỳ vọng nâng cao chất lượng

Sự kiện lễ hội sông nước diễn ra trong thời điểm này đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ vì có thể kích cầu được nhu cầu du lịch nội địa và chuẩn bị đa dạng, đặc sắc hơn chuỗi sản phẩm sông nước dành cho khách quốc tế trong mùa cao điểm sắp tới.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bảo Thu, sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM hiện còn hạn chế ở loại hình và sự đa dạng hóa, mới mẻ nên đa phần chỉ phục vụ du khách một lần, khó tiếp thị lại. Do đó, sản phẩm du lịch nội đô cần được đa dạng hơn, thường xuyên làm mới và quảng bá tốt thì mới có thể thu hút không chỉ du khách quốc tế mà cũng hấp dẫn du khách tại địa phương.

Cần thêm nhiều chính sách để sản phẩm du lịch đường sông khơi thông.

Cần thêm nhiều chính sách để sản phẩm du lịch đường sông khơi thông.

Vì vậy, để gia tăng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, TP.HCM đang thực hiện công tác cập nhật quy hoạch đường thủy từ quy hoạch của khu vực và quy hoạch của Thành phố để cuối năm trình quy hoạch chung.

“Từ cơ chế đất đai, cập nhật quy hoạch, cơ chế thu hút, kêu gọi nhà đầu tư thì chúng ta sẽ có một sản phẩm quảng bá thông tin về sông Sài Gòn, về đô thị sông nước của TP.HCM để xứng tầm trong tương lai”, bà Hoa chia sẻ.

Ngoài ra, Sở Du lịch đang khẩn trương phối hợp Sở GTVT đưa vào khai thác các cầu cảng 2,3,4 và cầu cảng B của Ba Son trong thời gian tới. Khi cầu cảng này được đưa vào sử dụng sẽ phát triển thêm tàu nhà hàng, tàu lưu trú trên sông, tàu phục vụ du lịch. Đặc biệt, ngành du lịch xin cấp phép vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn và đưa sử dụng 12 vị trí neo đậu trên địa bàn Cần Giờ.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-doanh-nghiep-day-manh-tour-tuyen-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-song-nuoc-d195724.html