TP. HCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển bất động sản 2020
Các phân khúc bất động sản của TP. HCM luôn đứng đầu khuyến nghị chọn mua trong năm tới.
TP.HCM liên tục tăng hạng trong nhiều năm vừa qua và hiện được PwC xếp đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về triển vọng phát triển và đứng thứ 3 về triển vọng đầu tư năm 2020.
Theo báo cáo "Các xu hướng mới nổi trong bất động sản" vừa được PwC, trong bối cảnh tâm lý của các nhà đầu tư đối với những thị trường mới nổi tại khu vực suy yếu hơn do những lo ngại về kinh tế toàn cầu, TP. HCM vẫn nhận được sự quan tâm tích cực đối với các phân khúc.
Thị trường này luôn đứng đầu khu vực về tỷ lệ khuyến nghị chọn mua trong tất cả phân khúc, bao gồm văn phòng, bán lẻ, căn hộ, công nghiệp và khách sạn.
Mặc dù có những vấn đề liên quan đến việc rót vốn vào Việt Nam do quy mô thị trường tương đối nhỏ và sự thiếu hụt tài sản đầu tư nói chung, TP. HCM vẫn nhận được dòng vốn mạnh mẽ nhờ vào dòng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc do gia tăng thuế quan từ chiến tranh thương mại.
Nhờ dòng dịch chuyển trên, bất động sản tại các trung tâm kinh tế và vận tải của nhiều thị trường mới nổi nóng lên khi các nhà đầu tư đổ xô đi tìm địa điểm xây nhà máy mới.
Theo báo cáo của Savills, cho thuê bất động sản công nghiệp tại một số tỉnh của Việt Nam đã tăng ở mức hai con số trong nửa đầu năm 2019 như 54,6% ở Bình Dương, 31,1% ở Tây Ninh.
Triển vọng tích cực của bất động sản TP. HCM là nhờ Việt Nam sở hữu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cơ cấu dân số tích cực và có lẽ quan trọng nhất là được đánh giá trở thành thị trường hưởng lợi lớn nhất từ dòng di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá minh bạch vẫn là một điểm yếu của thị trường dù đang được cải thiện.
Vấn đề đối với các nhà đầu tư bất động sản là TP. HCM vẫn là một thị trường có tương đối ít tài sản có thể đầu tư và rủi ro cao.
Một báo cáo của công tư tư vấn JLL mới đây cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến các tài sản khách sạn đang được vận hành với dòng tiền có sẵn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP. HCM.
Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh khách sạn ở hai thành phố này đang khả quan, trong đó giá phòng và doanh thu trên phòng đều tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, do thủ tục phê duyệt các dự án bất động sản chậm lại trong thời gian gần đây nên nguồn cung tương lai ở TP. HCM trong năm tới sẽ rất hạn chế.
Một số người được PwC phỏng vấn cho rằng có quá nhiều vốn đã bị đưa vào sai chỗ. Theo một nhà quản lý đầu tư, Việt Nam cần nhà ở thu nhập trung bình với giá cả phải chăng nhưng thị trường lại có quá nhiều công trình cao cấp đang được xây dựng.
Trong khu vực, Singapore, Tokyo, Sydney và Melbourne - các thị trường có độ thanh khoản và tính minh bạch cao - là 4 trong 5 thành phố hàng đầu được xếp hạng theo triển vọng đầu tư. Các thành phố này cũng xuất hiện trong top 5 của năm ngoái.
Số còn lại trong top 10 thành phố hàng đầu cho đầu tư cũng có độ lớn và thanh khoản cao tương tự.
Là một trong số ít thị trường có số lượng giao dịch tăng mạnh nửa đầu năm 2019 nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài, Singapore đã vươn lên trở thành thị trường có triển vọng đầu tư bất động sản tốt nhất.
Vài năm gần đây, phân khúc văn phòng của Singapore đã hấp thụ hầu hết lượng cung dư thừa. Cùng với tỷ lệ bỏ trống thấp kỷ lục cùng nguồn cung mới hạn chế, niềm tin của các nhà đầu tư trong ngắn hạn đã được khôi phục.