TP.HCM: Gần 9.800 tỷ đồng lãi suất 4% cho DN bình ổn và DN trong chuỗi cung ứng
Hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm. Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, doanh số cho vay với 37 doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đạt 9.778 tỷ đồng. Lãi suất cho vay thấp, bình quân khoảng 4%/năm.
Ngày 12/11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết: Trong 10 tháng năm 2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt 3.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cuối năm 2023 và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Như vậy trong những tháng gần đây, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Ông Lệnh dự báo, trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết âm lịch sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn các tháng trước, gắn liền với yếu tố mùa vụ do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của kỳ lễ cuối năm và tết thường tăng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch thường tăng trưởng tốt trong dịp cuối năm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 10 tháng đạt 3.855 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm (tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn dip cuối năm.
Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, đến nay, doanh số cho vay với 37 doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đạt 9.778 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất cho vay thấp (bình quân khoảng 4%/năm), là yếu tố chính góp phần trực tiếp hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán hoặc giữ ổn định giá bán (thường có xu hướng tăng trong dịp Tết).
Điều này mang lại ý nghĩa lớn và mục tiêu của chương trình đó là góp phần giữ ổn định giá cả dịp cuối năm, cũng như làm tốt công tác an sinh xã hội và mang Tết đến cho mọi người dân Thành phố.
Thời gian qua, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng hiệu quả và bình ổn thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TPHCM đã tăng trưởng 10,1% trong 10 tháng năm 2024, đạt 979.052 tỷ đồng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, để hỗ trợ các DN bình ổn thị trường tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Sở Công Thương phối hợp với NHNN chi nhánh Thành phố tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, kết nối ngân hàng – doạnh nghiệp theo từng chủ đề. Qua đó, hỗ trợ nhiều DN bình ổn thị trường, DN thuộc chuỗi cung ứng tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.
Theo Sở Công thương TPHCM, từ giữa năm 2024, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, sở đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình này đã thu hút 69 DN đầu mối tham gia (tăng 10 DN so với năm 2023). Theo đăng ký từ các DN, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4-6% so với năm 2023; chiếm từ 21-32% thị phần trong tháng thường, và chiếm từ 24-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết.