TP.HCM gấp rút chuẩn bị để khởi công cải tạo rạch Xuyên Tâm
Tổng chiều dài tuyến rạch khoảng 8.865m, trong đó tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6.628m; ba tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) tổng chiều dài 2.237m.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện các bước chuẩn bị, triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp khởi công dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) vào tháng 8/2024.
Thành phố quyết tâm hoàn thành xây lắp đoạn qua quận Gò Vấp vào tháng 4/2025 để chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Gấp rút chuẩn bị
Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp được Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2022.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.664 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố; trong đó chi phí xây dựng hơn 2.710 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật gần 6.372 tỷ đồng và các chi phí khác.
Ngày 6/10 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã ký quyết định phê duyệt dự án, với điểm đầu giao với kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, điểm cuối giao với sông Vàm Thuật.
Tổng chiều dài tuyến rạch khoảng 8.865m, trong đó tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6.628m; ba tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) tổng chiều dài 2.237m.
Dự án sẽ xây dựng tuyến kè bảo vệ, nạo vét lòng rạch rộng từ 20-30m; xây dựng hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mưa; xây dựng mới đường giao thông dọc hai bên.
Khi hoàn thành, dự án sẽ đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực, kết nối giao thông cục bộ với nhiều tuyến đường và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố.
Cụ thể, phía đầu rạch Lăng sẽ kết nối vào hệ thống cống của dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương-Bến Cát (CRUS1) để dẫn về Nhà máy xử lý nước thải An Phú Đông (Quận 12) và phía đầu kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè kết nối vào hệ thống cống của dự án Vệ sinh Môi trường Nhiêu Lộc-Thị Nghè để dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè (phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động dự án này từ khá lâu nhưng vì nhiều lý do khách quan khiến công trình chưa thể triển khai theo kỳ vọng.
Nhiệm kỳ này, lãnh đạo thành phố đặt quyết tâm rất cao, sẽ triển khai dự án trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2028 để đáp ứng mong mỏi lâu nay của người dân.
Theo kế hoạch, trong tháng 8/2024, chủ đầu tư sẽ khởi công gói thầu xây lắp trên địa bàn quận Gò Vấp và hoàn thành công tác xây lắp vào tháng 4/2025 nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Riêng địa bàn quận Bình Thạnh với số lượng công việc nhiều hơn, dự kiến gói thầu xây lắp sẽ khởi công tháng 4/2025, hoàn thành tháng 4/2028.
“Vừa qua, dự án đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt chính thức, các nội dung bảo vệ môi trường đã được thông qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo kịp tiến độ,” ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng chia sẻ.
Tái định cư cho người dân
Để thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi diện tích đất khoảng 158.849m2. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 6.340 tỷ đồng.
Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng của dự án là 1.880 trường hợp, phần lớn trên địa bàn Bình Thạnh, với 1.796 trường hợp.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đang được Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng để đảm bảo triển khai dự án. Vừa qua, chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh và Gò Vấp để các đơn vị này tiến hành thu thập hồ sơ pháp lý của các hộ dân bị ảnh hưởng và tiến hành tổ chức đo vẽ hiện trạng, kiểm kê nhà đất của các hộ dân.
Tại quận Gò Vấp, số trường hợp giải tỏa toàn phần cần bố trí tái định cư là 35 hộ, được địa phương dự kiến bố trí đủ 35 căn hộ tại Chung cư Khang Gia (Phường 14).
Trong khi đó, quận Bình Thạnh có tới 1.107 hộ bị giải tỏa toàn phần, trong đó 909 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư và 198 hộ do nằm hoàn toàn trên rạch nên không đủ điều kiện.
Hiện số lượng quỹ nhà đất tái định cư còn trống trên địa bàn chỉ khoảng 300 căn hộ (258 căn hộ và 42 nền đất), còn thiếu 807 căn.
Với trường hợp còn thiếu này, thành phố dự kiến xây dựng khu nhà ở tái định cư cho người dân tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (Phường 12, Bình Thạnh) với diện tích hơn 12 ha, dự kiến số căn hộ sau khi hoàn thành là 850 căn, tổng mức đầu tư 797 tỷ đồng.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp sắp tới.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng chia sẻ, đây là dự án được chính quyền thành phố rất quan tâm và người dân mong chờ nhiều năm qua. Quan điểm của thành phố qua các cuộc họp là làm sao có những chính sách tốt nhất cho người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư; người dân có nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo ông Dũng, chủ đầu tư cũng sẽ xin Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù như Vành đai 3 trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án.
Ngoài ra, với các hộ ở quận Bình Thạnh không đủ điều kiện bố trí tái định cư, thành phố sẽ có những chính sách phù hợp như hỗ trợ vay vốn mua nhà tái định cư…
Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu bố trí tạm cư cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh trong lúc chờ cơ sở tái định cư hoàn thành.
Sắp tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng sẽ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư./.