TP.HCM ghi nhận 378 ca sốt xuất huyết trong tuần qua
Số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua giảm 22,2% so với trung bình 4 tuần trước là 486 ca.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 7 (từ 13/2 đến 19/2), thành phố phát hiện 378 trường hợp, giảm 22,2% so với trung bình 4 tuần trước là 486 ca. Ngoài ra, 32 ổ dịch sốt xuất huyết mới ở 32 phường, xã cũng được phát hiện và phun hóa chất xử lý.
Số ca sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 6 là 3.916, tăng khoảng 2 lần so cùng kỳ năm 2022 (1.918 ca), không có trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, TP.HCM ghi nhận 6 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 5 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, một ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ). Tính từ đầu năm đến 19/2, tổng cộng có 116 ca mắc Covid-19 trên địa bàn được ghi nhận.
Từ năm 2022, dịch Covid-19 tại TP.HCM không có diễn biến bất thường, số ca mắc duy trì ở mức thấp và trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Cuối năm, thành phố phát hiện chủng phụ BA.2.75 của Omicron lưu hành nhưng tình hình vẫn được kiểm soát.
Về tình hình tiêm chủng, tính đến hết ngày 19/2, toàn thành phố đã tiêm được hơn 23,5 triệu mũi vaccine phòng Covid-19. Số vaccine tồn trong kho của HCDC vẫn còn 90.337 liều.
Cũng theo báo cáo của HCDC, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 48 ca mắc tay chân miệng, giảm 1% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca tích lũy đến tuần 7 là 366, tăng gần 23 lần so với cùng kỳ 2022 (16 ca) và không ghi nhận trường hợp tử vong.
Trong cuộc họp với lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM ngày 31/1, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định với Covid-19, mặc dù tình hình dịch duy trì ở mức ổn, thành phố luôn tăng cường giám sát sự xuất hiện biến thể mới, hiện là mối nguy cơ khiến virus lây lan và gây bệnh nặng.
Tiến sĩ Châu chia sẻ diễn biến trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 4 năm 2021 là bài học mà không bao giờ chúng ta muốn quay trở lại. Do đó, hướng tiếp cận hiện nay của ngành y tế TP.HCM với virus này vẫn là sẵn sàng ứng phó, song song tăng tỷ lệ tiêm nhắc vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền).
Trong cuộc họp Ban Điều hành ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định Covid-19 vẫn là khủng hoảng y tế cộng đồng đáng lo ngại trên toàn cầu.