TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn giao thông để bứt tốc phát triển

Hạ tầng giao thông phát triển còn chậm, không đáp ứng yêu cầu phát triển và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM.

Sáng 8-7, sau một ngày rưỡi làm việc, Hội nghị lần thứ 42 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.

Nhiều mô hình đi đầu cả nước

Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2015-2020). Qua thảo luận các ý kiến nêu rõ TP.HCM tiếp tục khẳng định vị trí vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có đóng góp phù hợp, thể hiện ở việc duy trì tăng trưởng cao hơn cả nước.

Đặc biệt đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và đi đầu cả nước. Đầu tiên là Khu công nghệ cao được thành lập cách đây khoảng 20 năm. Giai đoạn 2011-2015, Khu công nghệ cao đóng góp cho ngân sách 123 triệu USD, riêng nhiệm kỳ 2015-2020, đã đóng góp ít nhất 1 tỉ USD.

Mô hình thứ hai là Khu công viên phần mềm Quang Trung, giai đoạn 2011-2015 xuất khẩu hơn 400 triệu USD, nhưng nhiệm kỳ 2015-2020 xuất khẩu tăng lên 1,67 tỉ USD, gấp bốn lần, trong khi chỉ có hơn 10.000 người làm việc phần mềm ở khu công viên này.

Mô hình thứ ba về liên kết ngân hàng, doanh nghiệp là đặc thù giúp rất tốt cho sự phát triển và thông qua vai trò của quản lý nhà nước ở quận, huyện.

Mô hình mới thứ tư là TP.HCM đang triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông. Mô hình này với diện tích 10% và dân số 10% với mật độ cao nhất ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học thì triển vọng đóng góp 1/3 cho kinh tế TP.

Ngoài ra còn có một số mô hình mới khác như đi đầu chương trình số hóa, là địa phương đầu tiên làm đô thị thông minh, năm nay sẽ sơ kết sau ba năm triển khai.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Hoàng Giang

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Hoàng Giang

Đất cho công nghiệp, giao thông…, những điểm nghẽn cần gỡ

Trong phát biểu bế mạc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra nhiều hạn chế cần phải nhìn thẳng để khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như việc bố trí, cơ cấu sử dụng đất không hợp lý với đặc điểm kinh tế TP. “Hiện đất dành cho công nghiệp - dịch vụ chỉ chiếm có 5% trong khi đóng góp 99% GDP cho TP. Đây là lịch sử để lại, chúng ta khắc phục chậm” - ông Nhân nói và cho biết hiện nay đang có kế hoạch để xây dựng hai khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 1.000 ha. Ông đề nghị sắp tới cần phải khắc phục hạn chế này để ngành công nghiệp - dịch vụ phát triển hơn nữa.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh đến hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông không đáp ứng được yêu cầu phát triển, bứt tốc và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của TP. “TP có 10 triệu dân mà vành đai 2 chưa kết nối xong, vành đai 3 mới nằm trên giấy, các đường ngang kết nối còn thiếu… Về giao thông kết nối vùng, các tỉnh xung quanh, đến nay TP mới phối hợp cùng tỉnh Tây Ninh triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Quy hoạch về metro có rồi, trong số tám tuyến thì hiện đang làm tuyến số 1, khởi động tuyến số 2, còn sáu tuyến khác thì chưa” - ông Nhân nói.

Một hạn chế khác được ông Nhân chỉ ra là môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một minh chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương (PCI) tăng liên tục trong năm năm nhưng so với các địa phương khác thì tụt hạng. Nếu như năm 2015 TP xếp hạng đứng thứ sáu nhưng đến năm 2019 lại tụt xuống thứ 14. “Đây là vấn đề nhức nhối, cần phải làm nhiều nữa để TP trở lại top 5 các địa phương đứng đầu cả nước” - ông Nhân đề nghị.

Dịch vụ cho người dân được cải thiện

Về các dịch vụ hạ tầng phục vụ người dân TP, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tuy còn những hạn chế nhưng năm năm qua đã có cải thiện và tiến bộ.

Trước hết là dịch vụ môi trường, ông Nhân cho biết mỗi ngày người dân TP thải ra 9.000 tấn rác, khối lượng rất khủng khiếp. Tuy nhiên, ông khẳng định trong 10 năm tới hoặc xa hơn nữa sẽ không có việc tắc chuyện chở rác vì hiện TP đang quy hoạch tốt các khu xử lý rác, đổi mới công nghệ...

Về dịch vụ nước sạch, ông Nhân khẳng định đang đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho 9 triệu dân TP, thậm chí trong tương lai sẽ là 11 triệu dân. Hiện TP đang làm quy hoạch cấp nước sạch cho đến năm 2050, đảm bảo dân số tăng thêm vẫn đủ nước.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề giảm ngập nước đã và đang được người dân quan tâm. Trong điều kiện nguy cơ ngập nước ngày càng tăng vì nước biển dâng, sụt lún và mưa nhiều hơn nhưng TP đang giải quyết để tình trạng ngập nước ngày càng giảm. Từ đó, ông Nhân đề nghị trong nhiệm kỳ tới cần nghiên cứu đề án chống ngập lâu dài có tầm nhìn 20 năm, với tinh thần là có giải pháp, không để bế tắc.

Để lại cho TP nhiều thì nộp về trung ương sẽ tăng thêm

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Do đó, cách đây ba năm TP đã báo cáo Bộ Chính trị và được cho phép TP đề xuất điều chỉnh lại tỉ lệ điều tiết.

Theo ông Nhân, suốt năm tháng qua TP.HCM đã xây dựng đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, nếu để lại cho TP trong năm năm tới (2021-2025) là 24% và năm năm tiếp theo (2026-2030) là 28% (so với phương án vẫn giữ 18%) thì trong 10 năm tới phần nộp trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng (tương đương 18,4 tỉ USD). Song song đó, ngân sách TP cũng được tăng thêm khoảng 390.000 tỉ đồng. “Chúng ta đã tính toán, có cơ sở khoa học để nói rằng để lại cho ngân sách TP nhiều hơn thì phần nộp về trung ương sẽ nhiều hơn, TP thu thêm nhiều hơn” - ông Nhân nói.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-go-diem-nghen-giao-thong-de-but-toc-phat-trien-923026.html