TP.HCM, Hà Nội được tăng thêm bao nhiêu phó giám đốc sở?
Ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì TP.HCM và Hà Nội được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc sở.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 25-11-2020.
17 sở thống nhất, 4 sở đặc thù
Cụ thể, nội dung Nghị định mới vẫn giữ nguyên quy định về tổ chức các sở thuộc UBND cấp tỉnh, gồm: Các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương và các sở đặc thù.
Theo đó, vẫn có 17 sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương và có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ ở một số sở, gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở LĐ-TB&XH, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND.
Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định mới đã bổ sung thêm quy định: Đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện.
Còn với Văn phòng UBND sẽ thực hiện thêm chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc nếu tỉnh đó không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ và Ban Dân tộc.
Đối với các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương: Nghị định mới đã bổ sung thêm Sở Du lịch ngoài các Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc và Sở QH-KT (được thành lập ở TP Hà Nội và TP.HCM). Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng bỏ hẳn quy định về một số lĩnh vực đặc thù khác.
Số lượng phó giám đốc sở được quy định linh động
Một điểm mới của Nghị định này là quy định về số lượng phó giám đốc sở đã có sự linh động theo hướng bình quân mỗi sở có ba phó giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp.
Riêng TP Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi TP được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc.
Ngoài ra, số lượng phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở; phó chánh thanh tra sở; phó chánh văn phòng sở; phó chi cục trưởng thuộc sở và phó trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở cũng được quy định linh động theo tổng số biên chế công chức trong một cơ quan, đơn vị.
Nghị định cũng nêu rõ, đối với các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận 34/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18/2017 thì tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Việc sắp xếp các tổ chức thuộc sở theo tiêu chí quy định tại Nghị định này hoàn thành trước 31-3-2021.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định tại Nghị định này nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung thêm.
Đồng thời các địa phương phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định để đảm bảo trong thời hạn ba năm từ ngày sáp nhập, hợp nhất số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định.
Với Nghị định mới ban hành, Chính phủ đã chính thức chốt việc chưa thực hiện sáp nhập sở ngành nào như dự thảo nghị định năm 2018 đưa ra lấy ý kiến với việc sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành.
Thí điểm hợp nhất một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM thông tin vào tháng 12-2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất tám sở, ngành thành bốn.
Cụ thể, Sở Tài chính hợp nhất với Sở KH&ĐT thành Sở Tài chính và Kế hoạch; Sở GTVT hợp nhất với Sở Xây dựng thành Sở GTVT và Xây dựng; Sở Nội vụ hợp nhất với Ban tổ chức Tỉnh ủy/Thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra cấp tỉnh hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy/Thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra.
Ngoài ra, ở cấp huyện, thực hiện thí điểm hợp nhất Phòng Nội vụ với Ban tổ chức cấp ủy, cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra cấp huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra; Văn phòng HĐND và UBND với Văn phòng cấp ủy, cấp huyện thành Văn phòng cấp huyện.
Tính đến ngày 6-1-2020, cả nước đã có 15 tỉnh, TP trực thuộc trung ương gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm việc sáp nhập, hợp nhất một số sở, ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng.
Riêng với TP.HCM, với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế-xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt, dân đông cùng khối lượng công việc nhiều và đang thí điểm một số mô hình tổ chức, quản lý nên UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc chưa nên hợp nhất các sở, ngành.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-ha-noi-duoc-tang-them-bao-nhieu-pho-giam-doc-so-939475.html