TP.HCM: Hàng loạt gầm cầu thành nơi buôn bán, xả rác
Nhiều gầm cầu ở TP.HCM bị chiếm dụng để buôn bán, tập kết vật tư, xả rác, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa có nguy cơ làm hỏng kết cấu của cầu.
Chợ tự phát dưới gầm cầu
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực nội thành TP.HCM, nhiều gầm cầu hiện đang bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, không khác gì những khu chợ tự phát.
Tại gầm cầu trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, hướng về cầu Nam Lý, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người mua kẻ bán tấp nập với đủ mặt hàng như: Trái cây, rau củ, cá cảnh, nước mía...
Nhiều người đi ô tô, xe máy đang đi đường nhìn thấy bất thình lình dừng lại mua, khiến giao thông bị ùn ứ, nguy cơ tai nạn rất cao. Đây là gầm cầu khá rộng, không chỉ bị lấn chiếm buôn bán mà còn trở thành nơi tập kết xe ba gác.
Hàng ngày đi làm qua cầu Đỗ Xuân Hợp, chị Phạm Thị Hiếu, người dân phường Phú Hữu, gần gầm cầu phản ánh: “Lộn xộn như vậy nhưng nhiều năm nay không thấy đơn vị nào kiểm tra, nhắc nhở hay xử phạt”.
Tương tự, gầm cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, Nhị Thiên Đường (quận 8), Nguyễn Văn Luông (quận 6), Phú Xuân, Phú Mỹ (quận 7)… cũng đang bị chiếm dụng để buôn bán, thậm chí thành nơi trú ngụ cho những người vô gia cư.
Ghi nhận ở gầm cầu Phú Mỹ, một số người dân tận dụng mặt bằng trống để bán quán ăn, nước giải khát rất nhộn nhịp. Cách đó, hàng chục chiếc võng cũng được dựng lên để phục vụ khách.
Những gầm cầu không bị chiếm dụng thành nơi bán hàng được thì bị biến thành nơi tập kết rác, để vật liệu, điển hình như cầu Bình Lợi, Bình Triệu. Thậm chí, người dân còn thường xuyên đốt rác khiến thành cầu, dầm cầu, bờ tường bị cháy đen, bong tróc.
Mới đây nhất, người dân đốt rác làm gầm cầu Rạch Lăng, quận Bình Thạnh cháy đen. Hay sự cố cháy dưới gầm Bình Triệu 1 do chập điện gây đứt bó cáp dự ứng lực cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Đề xuất làm bãi giữ xe tạm
Trước thực trạng nhiều gầm cầu bị chiếm dụng để buôn bán, tập kết vật liệu, đốt rác, Sở GTVT TP.HCM đã ra văn bản khẩn cấp đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm. Đồng thời, cần dọn dẹp vệ sinh ngay khi phát hiện nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
Đối với các gầm cầu đang tổ chức giữ xe, chứa vật tư thu hồi, xây dựng nhà tạm như: Cầu Bình Lợi, cầu Phú Hữu, cầu Bà Chiêm (huyện Nhà Bè) và các cầu trên đường Võ Văn Kiệt...
Sở GTVT yêu cầu đơn vị quản lý phải rà soát kiểm tra thường xuyên, bố trí đầy đủ thiết bị xử lý kịp thời khi có sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình cầu.
Các đơn vị cần đánh giá, đề xuất phương án khai thác không gian dưới gầm cầu, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Một cán bộ của Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP có hơn 200 cầu lớn nhỏ, nhiều gầm cầu hiện nay trở thành nơi bán hàng, sinh hoạt của những người vô gia cư.
Họ biến gầm cầu trở nên nhếch nhác, nấu ăn, đốt lửa hàng ngày, rất nguy hại đến an toàn kết cấu cầu.
Do đó, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2015 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng khai thác, sử dụng mặt bằng, không gian dưới các công trình cầu đường bộ, cao tốc, đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe, dịch vụ hoạt động thể dục thể thao ngoài trời.
“TP.HCM đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe, nếu tận dụng được không gian trống của các gầm cầu đủ điều kiện sẽ có thêm nhiều bãi đậu xe, đồng thời quản lý được công trình cầu an toàn”, vị này cho biết.
Đồng tình với đề xuất trên, PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, các gầm cầu đang trở thành điểm bán hàng của nhiều người dân và nơi trú ngụ của những người vô gia cư.
Nếu cho phép làm bãi đỗ xe, mặc nhiên những vị trí này phải được đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, ngập nước, vệ sinh hơn so với hiện nay.
Theo quy định tại Thông tư 50/2015, các tổ chức cá nhân không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý; Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.
Sở GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.