TP.HCM hành động quyết liệt để đột phá

Trung ương cần có chính sách đủ mạnh để xoay chuyển tâm thế của chính quyền TP.HCM từ 'dám nghĩ, dám làm' thành 'muốn làm, khát khao được làm' bằng chính sách phân cấp, phân quyền tối đa.

Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh đến tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”… Tinh thần này được kế thừa từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử.

Với TP.HCM, tinh thần này đã được thể hiện mạnh mẽ qua truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đi đầu trong thí điểm các chính sách mới. TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM, khẳng định để tinh thần này phát huy hơn nữa, cần lắm sự đồng hành của Trung ương bằng việc phân cấp, phân quyền tối đa.

 TP.HCM ngày nay đã và đang khẳng định vị thế của một siêu đô thị về kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM ngày nay đã và đang khẳng định vị thế của một siêu đô thị về kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Chủ động đề xuất cơ chế đặc thù

. Phóng viên: Thưa bà, quan điểm “tự lực, tự cường” để phát huy nội lực của đất nước được TP.HCM vận dụng, phát huy như thế nào trong chặng đường phát triển vừa qua?

+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: TP.HCM ngày nay đã và đang khẳng định vị thế của một siêu đô thị về kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước. Để có được vị trí ấy, không thể phủ nhận tinh thần “tự lực, tự cường” cùng các thể chế đủ mạnh từ Trung ương đã phát huy được sự năng động, chủ động và tự chủ của chính quyền TP.HCM trên mọi lĩnh vực.

Một điển hình cho sự tự lực, tự cường của TP.HCM chính là sự chủ động xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cho TP, liên tục tổng kết, đúc kết, thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc.

Với phương châm “thực tiễn là người phán xét cuối cùng” thì thực tiễn sôi động tại TP.HCM chính là cái nôi để sản sinh ra những mô hình mới hợp lý trong quản lý. Do đó, môi trường, cơ hội, nguồn lực đổi mới, phát triển chính sách tại TP.HCM là không thiếu, điều còn lại là con người và cơ chế. Cũng chính hai yếu tố này sẽ quyết định sự thăng hoa của tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm tại TP.HCM hiện nay.

 TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: hcmulaw.edu.vn

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: hcmulaw.edu.vn

Dám nghĩ, dám làm để thay đổi chính sách

. Quan điểm ấy hẳn càng được thể hiện qua truyền thống chủ động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của TP?

+ Nếu nói đến hai từ “truyền thống” thì trong các địa phương, TP.HCM vốn có một truyền thống và một văn hóa chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Ngày từ giai đoạn đầu sau thống nhất, TP.HCM đã có những bứt phá trong quyết sách, cách làm do yêu cầu thực tiễn, phát triển kinh tế mở tại TP.

Từ những chính sách mang tính địa phương đó đã lan tỏa không chỉ nội dung mà còn lan tỏa tinh thần của sự đổi mới, dám làm, tạo ý nghĩa lớn trong thay đổi các chính sách của Trung ương trên toàn quốc.

Chắc hẳn lịch sử định hình và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, mô hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mô hình giao dịch chứng khoán thông qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán mà sau này gọi là Sở Giao dịch chứng khoán; mô hình ngân hàng cổ phần; mô hình chứng thực bản sao ở các phường, phân bổ biên chế phường…tại TP.HCM đều được hình thành từ tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm và quyết liệt trong chính sách đổi mới của các thời chính quyền TP.

Có thể nói, so với các đô thị khác, sự trải nghiệm, thực thi cơ chế chính sách phát triển TP.HCM trong 10 năm trở lại đây là một thành quả thể chế đáng ghi nhận, dù còn nhiều nội dung cần thêm về quy mô và tầm vóc.

Xét cả trên phương diện quốc tế và cả trong nước, ít và hiếm có đô thị nào có những cải cách thể chế dày đặc, liên tục. Điều này cho thấy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường của TP.HCM mà hiện nay đó không chỉ là một yêu cầu đối với chính quyền TP mà đã trở thành một truyền thống, một văn hóa trong xây dựng, quản trị, phát triển đô thị TP.HCM.

Tôi cho rằng trong lòng TP.HCM luôn có sẵn những nội lực nội tại về con người, tài chính, cơ hội, chính sách, sự sẵn sàng, quyết liệt, sự dám làm, sự đương đầu và một kỳ vọng về sự phát triển vươn tầm…, vấn đề còn lại để kết nối cho sự gặp gỡ và thăng hoa của những nội lực nội tại đó, cũng là cái mà chúng ta đang thiếu chính là chính sách đủ mạnh.

Khi chính sách phân quyền, phân cấp đủ mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra thì chính quyền địa phương càng “dám làm và dám chịu trách nhiệm không”.

Bằng một động lực chung, một tinh thần chung vì đại cuộc “cả nước vì TP”, Trung ương cần tạo thể chế để xoay chuyển tâm thế của chính quyền TP.HCM từ “dám nghĩ, dám làm” thành “muốn làm, khát khao được làm” bằng chính sách phân cấp, phân quyền mạnh.

Bên cạnh đó, chính địa phương cũng phải tự phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu ấy để phát triển tối đa nguồn lực địa phương.

 TP.HCM vốn có một truyền thống và một văn hóa chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM vốn có một truyền thống và một văn hóa chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm. Ảnh: THUẬN VĂN

Quyết liệt hành động: Chìa khóa của đột phá

. Để làm được điều ấy, hẳn nhân tố quyết định sẽ là bộ máy, cán bộ?

+ Đối với bộ máy chính quyền, để có được tính tự lực, tự cường thì vai trò của người đứng đầu và nhân tố cá nhân, hình thành sự quyết liệt trong quyết sách và hành động là yêu cầu mang tính chìa khóa cho hầu hết các quyết sách đột phá.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các chính sách đột phá đều khó có thể được sinh ra trong cơ chế quyết định tập thể. Tư duy tập thể, số đông, đa số phiếu… chính là rào cản triệt tiêu những mô hình đột phá.

Cạnh đó, câu chuyện xây dựng và trui rèn để tạo ra những nhân lực sao cho có tinh thần tự lực, tự cường, không sợ sệt, né tránh là điều cần phải có. Tôi cho rằng để một địa phương phát huy được tinh thần này thì trước hết phải có những nhân tố nổi trội, xuất chúng, quyết liệt, đi đầu trong cải cách, đổi mới và nói không với tư lợi.

Đó là những thủ lĩnh có tầm nhìn xa nhưng có tâm gần, tâm ấy đặt vào dân cư địa phương mình chứ không phải chỉ đặt ở cấp trên. Đó còn là những lãnh đạo biết lắng nghe những ý kiến phản biện, biết trân trọng những tư duy đổi mới và biết bảo vệ những người dám nói, dám làm, dám khuyến khích và nêu gương những tinh thần cải cách.

Về phía những nhân tố hành động, rất cần những người dám làm.. Hiện thực cho thấy, đâu đó vẫn còn tình trạng dù có quy định nhưng vẫn không dám làm, chưa làm đã sợ, sợ sai, sợ trách nhiệm… Do đó, cần có cơ chế sao cho từ chỗ không dám làm thì nay phải muốn làm, thích làm.

Cơ chế này đòi hỏi phải vừa có sự khuyến khích, vừa có sự đánh giá khách quan, nhận diện đúng cái sai, nguyên nhân sai, để cái sai không trở nên một lỗi mơ hồ của cơ chế mà ai làm đều có thể sai, dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực là “không làm thì không sai”.

. Xin cảm ơn bà.

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-hanh-dong-quyet-liet-de-dot-pha-post807770.html