TP HCM: Hơn 14.300 lao động tự do bị mất việc do Covid-19 được hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-12, bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết đến nay TP HCM đã chi hỗ trợ cho lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc, khó khăn do dịch Covid-19 là 14.381 người.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người (hỗ trợ cho tháng 4-2020) từ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 của TP. Đây là những lao động tự do mất việc nhưng không nằm trong 6 nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo Nghị quyết 15/2020 của Thủ tướng.
Cụ thể là người lao động (NLĐ) làm việc tại các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game-online); các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga...), các trung tâm thể dục thể thao, khu tập luyện thể thao công cộng; tại bến xe, làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng. T
ừ danh sách do UBND quận, huyện đưa lên, Ủy ban MTTQ TP sẽ tiếp tục chi tiền hỗ trợ cho những đối tượng này và có kế hoạch giám sát việc hỗ trợ.
Trước đó, từ đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP đã thống nhất hỗ trợ cho lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc, khó khăn do dịch Covid-19. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 27 tỉ đồng. Đây là đợt hỗ trợ thứ 2 của TP dành cho NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo thống kê, rà soát từ 24 quận, huyện, trên địa bàn TP có gần 27.500 người đủ điều kiện nhận mức hỗ trợ này, trong đó có 6.700 người ngoại tỉnh.
Để triển khai việc hỗ trợ, UBND TP giao UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm xác định đúng đối tượng, thống kê và lập danh sách cụ thể. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Ủy ban MTTQ TP sẽ chuyển kinh phí hỗ trợ cho NLĐ qua UBND quận, huyện. UBND quận, huyện có trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; UBND quận, huyện cũng chịu trách nhiệm về việc xác định theo tiêu chí, điều kiện, thẩm định và chi hỗ trợ NLĐ, bảo đảm việc chi hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách.