TP.HCM khắc phục khoảng trống trong tiêm vắc xin Covid-19

Người bệnh lớn tuổi, nguy cơ cao lại chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Thực tế này đang được ngành y tế TP.HCM đặc biệt quan tâm.

Nhiều người chưa tiêm vắc xin Covid-19

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong số các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại khu E của bệnh viện, khoảng 80% chưa tiêm đủ vắc xin. Các bệnh nhân đều có bệnh nền, thậm chí có đến 3 – 4 bệnh nền cùng lúc.

Một thống kê khác cho thấy, khoảng 60% người tử vong vì Covid-19 tại TP Thủ Đức thời gian qua cũng chưa được tiêm vắc xin.

Ngày 12/12, TP.HCM có 488 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Ngày 12/12, TP.HCM có 488 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Lý giải tình trạng này, BS Hùng cho biết, hiện có 2 nhóm chưa được chủng ngừa đủ vắc xin Covid-19. Thứ nhất, nhóm có bệnh nền không ổn định, bị trì hoãn.

“Không phải họ không muốn tiêm mà chưa được tiêm thời điểm đó. Ví dụ người bệnh ung thư phải hóa xạ trị, giảm miễn dịch rất nhiều do sử dụng các loại thuốc. Khi đó, hệ thống miễn dịch đang bị ức chế, chích vắc xin chích cũng không tạo ra được kháng thể nên phải tạm hoãn ”, BS Hùng lý giải.

Nhóm thứ 2 vẫn chưa tiêm vắc xin Covid-19 là người có quan điểm Anti-vắc xin. Theo BS Hùng, điều này không bất ngờ, xuất hiện ngay cả ở những quốc gia phát triển.

Đáng lưu ý, đầu tháng 12, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình đã ghi nhận 1 ca tử vong trẻ tuổi, có bệnh nền. Bệnh nhân trước đó kiên quyết không tiêm vắc xin vì luôn lo ngại nguy cơ, tác hại có thể gặp phải.

Trong khi đó, TS BS Lê Thanh Toàn, Chuyên gia Phòng khám BS gia đình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đối tượng chưa được tiêm vắc xin Covid-19 thường gặp nhất là người lớn tuổi. Nhiều người cho rằng, cha mẹ đã lớn tuổi, chỉ ở trong nhà, không đi ra ngoài nên không có nguy cơ mắc bệnh.

“Họ vẫn còn băn khoăn tiêm vắc xin Covid-19 không biết hiệu quả đến đâu, nên không cho bố mẹ đi tiêm. Đây là lý do chúng tôi thường xuyên gặp phải”, TS BS Lê Thành Toàn chia sẻ.

TS BS Lê Thanh Toàn đến tận nhà khám, phát thuốc, tiêm vắc xin cho người có bệnh nền.

TS BS Lê Thanh Toàn đến tận nhà khám, phát thuốc, tiêm vắc xin cho người có bệnh nền.

Bên cạnh đó, tại các điểm tiêm cộng đồng, phần lớn người có huyết áp cao đều không được tiêm vắc xin Covid-19. BS Toàn cho biết, có trường hợp đi đến 3 lần vẫn phải trở về tay không chỉ vì huyết áp.

“Theo quy định của Bộ Y tế, chúng ta có thể linh hoạt với vấn đề này, không phải tất cả người huyết áp trên 130/80 đều hoãn chích. Không phải thế! Nhiều cụ đi lại nhiều lần không được tiêm nên chán nản và bỏ luôn”

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư ông thăm khám vẫn chưa được tiêm vắc xin Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân ở tỉnh.

Nguyên nhân cũng là do tiêu chí về huyết áp,nhân viên y tế ở một số địa phương không dám tiêm cho bệnh nhân. “Điều này rất thiệt thòi cho người bệnh ung thư. Họ thuộc nhóm ưu tiên tiêm ngừa. Tôi vẫn thường xuyên gặp những ca bệnh như vậy tại khu điều trị Covid-19 của bệnh viện”, BS Vũ tâm tư.

5K triệt để, vắc xin tối đa cho nhóm nguy cơ

Theo TS BS Lê Quốc Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy, những trường hợp trì hoãn tiêm chủng vì bệnh nền không ổn định, cần được địa phương rà soát càng sớm càng tốt. Khi xem xét tình trạng bệnh nền hiện tại, nếu bệnh nhân đã kết thúc thời gian hóa xạ trị, hoặc bệnh nền đã ổn định, cần được chích ngừa ngay. Đây cũng là một phần trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mà TP.HCM đang triển khai.

Trong khi đó, với các bệnh nhân đang trong thời gian trì hoãn tiêm, cần có 1 chế độ bảo vệ thực sự nghiêm ngặt. Các phương án bảo vệ phải thực hiện từ cá nhân, gia đình và cơ sở y tế.

Tại nhà, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ 5K, không tập trung đông người, rửa tay thường xuyên, liên tục. Ngay cả người thân cũng phải đảm bảo các biện pháp 5K, rửa tay sạch sẽ, để bảo vệ người có yếu tố nguy cơ trong gia đình.

TP.HCM đã cảnh báo khi ghi nhận một người già nằm bất động trong nhà, không giao lưu tiếp xúc với bên ngoài, nhưng lây bệnh từ người thân. Vì không chích vắc xin Covid-19, cùng với bệnh nền, bệnh nhân trở nặng và tử vong sau đó.

TP.HCM đang bước vào chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và yếu thế.

TP.HCM đang bước vào chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và yếu thế.

“Tuy nhiên, đây là vấn đề vĩ mô. Quan trọng nhất, bản thân bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ 5K, bảo vệ mình không để Covid-19 tấn công”.TS Hùng cũng gợi ý, các cơ sở y tế có thể hỗ trợ bệnh nhân này khi tái khám bằng cách hướng dẫn đăng ký lịch qua tổng đài, sắp xếp lối đi hoặc tầng khám bệnh riêng, đảm bảo cách ly hoặc hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc.

Trước tình hình vẫn còn nhiều người chưa tiêm vắc xin, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã lên phương án khắc phục. Bệnh viện đã tổ chức riêng một phòng tiêm ngay bên ngoài khu vực phòng khám. Nếu tiền sử chưa được tiêm ngừa, bệnh nhân sẽ được tiêm tại chỗ ngay sau khi khám bệnh, cấp thuốc. Đây cũng là khu vực tiêm mũi 3 của bệnh viện trong đợt này.

“Có ngày chúng tôi nhận đến 5 trường hợp người dân sống giữa TP Thủ Đức thế nhưng chưa được tiêm mũi vắc xin Covid-19 nào”, BS Toàn cho hay.

Trước đó, giữa cao điểm dịch, bác sĩ Lê Thanh Toàn cùng các đồng nghiệp đã tổ chức đến tận nhà thăm khám, cấp thuốc và tiêm vắc xin cho người bệnh nền. Trong 45 ngày, có hơn 1.200 bệnh nhân trên địa bàn TP Thủ Đức đã được chăm sóc tận nhà dù không mắc Covid-19.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tp-hcm-khac-phuc-khoang-trong-trong-tiem-vac-xin-covid-19-800928.html