TP.HCM khai mở thị trường lan, cây kiểng

Nhu cầu về hoạt động cung ứng lan và cây kiểng rất sôi động, nhu cầu của thị trường thời gian qua cho thấy hoạt động sản xuất các mặt hàng này của TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Hổng” thị trường nội địa

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, năm 2022, lượng hạt giống hoa, cây kiểng được TP cung cấp ra thị trường cả nước trên 5.500 tấn các loại, giảm 53% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường TP.HCM chỉ khoảng gần 400 tấn. Còn lượng giống cây trồng nhập khẩu của TP.HCM hơn 1.200 tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn là giống lan và hoa nền.

heo các chuyên gia, ngành hàng hoa lan, cây kiểng mặc dù giá trị xuất khẩu bước đầu đạt kết quả khả quan nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất, mua bán còn nhiều vấn đề cần phải rà soát. Đặc biệt là cần xem lại độ phủ bao quát cho thị trường nội địa.

Thủ tục xây dựng nhà lưới, nhà vườn để sản xuất trên đất nông nghiệp đang vướng nhiều quy định (Ảnh: NQ)

Thủ tục xây dựng nhà lưới, nhà vườn để sản xuất trên đất nông nghiệp đang vướng nhiều quy định (Ảnh: NQ)

Từ số liệu đánh giá của Sở Du lịch và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, lượng hoa lan, cây kiểng của TP.HCM và các tỉnh phục vụ nhu cầu khách sạn từ 3 đến 5 sao tại thành phố chỉ chiếm chưa tới 20%, số còn lại phải nhập khẩu.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho rằng, nếu muốn xuất khẩu tốt, trước mắt phải làm chủ được thị trường trong nước.

Theo ông Văn: "Thị trường hoa cao cấp trong nước chúng ta vẫn chưa thể thâm nhập được, đặc biệt là hoa lan. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này, muốn phát triển nữa thì phải đi được vào thị trường hoa cao cấp ngay tại TP.HCM và trong nước… Nên từ việc tổ chức sản xuất, hệ thống phân phối đều phải hướng theo vấn đề này".

Khai mở thị trường, thương mại giống gen

Hiện nay thị trường lan chủ lực vẫn là các giống lan cắt cành như: Dendrobium, Mokara… Diện tích hoa, cây kiểng hiện nay khoảng trên 2.300 ha, gồm hoa lan 370 ha (chiếm 15,9%), hoa nền 645 ha, kiểng, bonsai 575 ha; mai 765 ha. Giá trị sản xuất bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Thương mại hóa các giống gen tốt giúp sản phẩm lan, cây cảnh tự tin bước ra thị trường quốc tế (Ảnh: NQ)

Thương mại hóa các giống gen tốt giúp sản phẩm lan, cây cảnh tự tin bước ra thị trường quốc tế (Ảnh: NQ)

Dù năng lực sản xuất, cung ứng được đánh giá cao, song vấn đề giống, công nghệ sau thu hoạch và kỹ thuật đóng gói phù hợp vẫn chưa sẵn sàng. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông hộ còn đối diện rủi ro vì chi phí đầu tư cao, thị trường không ổn định. Đặc biệt tranh chấp thương hiệu, bảo hộ giống khi xuất khẩu những sản phẩm cùng chủng loại.

Để ngành hàng này phát triển hiệu quả, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng, cần linh hoạt việc hoạch định sản xuất theo nhu cầu thị trường, sớm xây dựng tiêu chuẩn cho giống lan được sản xuất trong nước và những quy định cụ thể, để ràng buộc giữa người sản xuất giống và sử dụng giống trong nước.

"Hoa kiểng phải đảm bảo được vấn đề có bản quyền giống. Bởi cây trồng khác dễ nhận biết hơn, nhưng hoa thì nhiều khi chỉ khác nhau những điểm rất nhỏ, nhiều khi giữ hoa này hoa kia, giống này với giống kia điểm khác nhau rất là ít. Nên khả năng dẫn đến tranh tụng rất là cao, do đó bản quyền giống là phải làm chặt chẽ, kỹ hơn so với những cây trồng khác" - Tiến sỹ Bùi Minh Trí chia sẻ.

Hiện nay tốc độ sản xuất giống lan ở nước ta còn chậm so với các nước trong khu vực. Giá thành giống lan trong nước còn cao, hơn nữa người sản xuất thường chuộng sử dụng giống ngoại nhập, chưa tin tưởng vào chất lượng giống hoa lan sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu giống tràn lan chưa kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng nên chất lượng về giống không đồng đều gây thiệt hại cho người sản xuất.

Giá thành giống trong nước còn cao, khiến người sản xuất thường chuộng sử dụng giống cây kiểng ngoại nhập (Ảnh: NQ)

Giá thành giống trong nước còn cao, khiến người sản xuất thường chuộng sử dụng giống cây kiểng ngoại nhập (Ảnh: NQ)

Để có nhiều giống hoa, đa dạng về chủng loại đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ngoài những hoạch định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước, nguồn nhân lực sản xuất và phát triển thị trường cần phải được khẩn trương đẩy mạnh, tháo gỡ những chính sách liên quan đến quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp nếu muốn khai mở thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết: "Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang đất nông nghiệp khác đang còn nhiều khó khăn bất cập, mà người dân không thể tự tháo gỡ để làm được. Không thể lấy đất nông nghiệp thuần túy để trồng lan được mà cần phải chuyển đổi sang những loại đất khác để xây dựng nhà lưới, nhà vườn để ngành hàng có điều kiện phát triển lan, cây kiểng… Đây là những vấn đề mà sở ngành TP đang cần phải tháo gỡ trong thời gian tới".

Nhu cầu về hoạt động cung ứng lan và cây kiểng rất sôi động, nhu cầu của thị trường thời gian qua cho thấy hoạt động sản xuất các mặt hàng này của TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên trước mắt phải giải quyết chiến lược về giống cũng như thương mại hóa giống gen… để doanh nghiệp mạnh dạn khai mở hiệu quả thị trường trong và ngoài nước./.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/tphcm-khai-mo-thi-truong-lan-cay-kieng-post1016912.vov