TP.HCM 'khát' lao động trình độ cao hậu Covid-19

Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết thị trường lao động quý I/2021 sôi động hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng hơn 13%.

Theo ngành kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ chiếm tới hơn 70%, khu vực công nghiệp chiếm khoảng 29,5% còn khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,1%.

Các ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao trong quý I/2021 bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 2,2% so với 3 tháng đầu 2020); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng 4,6%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (tăng 2%).

Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý I năm 2021(%).

Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý I năm 2021(%).

Theo nhóm nghề, nhu cầu nhân lực 3 tháng đầu năm nay tập trung chủ yếu ở nhóm kinh doanh – thương mại với vị trí chuyên viên kinh doanh, cộng tác viên bán hàng, quản lý bán hàng; nhóm dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển với vị trí chuyên viên tư vấn khách hàng, tổng đài viên, chăm sóc khách hàng.

Marketing cũng là nhóm có nhu cầu tuyển dụng cao, chiếm 7,4% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như chuyên viên marketing, nhân viên truyền thông, chuyên viên phát triển thương hiệu sản phẩm.

Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào lao động đã qua đào tạo, chiếm gần 86% tổng nhu cầu với các nhóm nghề “nổi lên” là tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; công nghệ thông tin; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử; marketing.

Trong đó, nhu cầu đối với trình độ đại học trở lên chiếm 22,2%, cao đẳng chiếm 17%, trung cấp chiếm 21%, còn lại là sơ cấp.

Lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,3% nhu cầu, tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như hóa chất – nhựa – cao su; dệt may – giày da; công nghệ lương thực – thực phẩm; kinh doanh – thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân; bảo vệ.

Tại TP.HCM, mức lương chủ yếu nằm trong khoảng 5 – 15 triệu đồng. Các mức cao hơn, ví dụ như 15 – 20 triệu đồng và trên 20 triệu đồng chủ yếu ở các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề chuyên môn cao như lập trình viên, chuyên viên đầu tư tài chính hay vị trí cao như trưởng phòng, giám đốc.

Nhu cầu tuyển dụng theo mức lương quý I năm 2021 (%).

Nhu cầu tuyển dụng theo mức lương quý I năm 2021 (%).

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận định TP.HCM đang từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp sáng tạo, nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi sản xuất và có đà phát triển.

Đồng thời, trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiến hành thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng, phát triển doanh nghiệp.

Do vậy, thị trường lao động quý I/2021 có phần sôi động và có triển vọng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến thị trường quý II/2021 sẽ cần khoảng 68.600 – 73.500 chỗ làm việc, ở các nghề như công nghệ thông tin; kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử; cơ khí – tự động hóa; hóa chất – nhựa – cao su; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng.

Thị trường cũng có nhu cầu đối với dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; y dược; kế toán – kiểm toán; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống.

Bên cạnh đó, thị trường lao động chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế số tại TP.HCM. Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử.

Hoài An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tphcm-khat-lao-dong-trinh-do-cao-hau-covid-19-1617938421454.htm