TP.HCM: Không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh
Đó là nhận định của đoàn công tác Bộ Y tế tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại TP.HCM ngày hôm nay.
Ngày 31/1, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại TP.HCM. Cùng đi có đại diện Văn phòng Bộ Y tế và Viện Y tế công cộng tại TP.HCM; lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM.
Thời điểm thuận lợi lây lan dịch bệnh
Đầu ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Với số lượng hành khách đông đảo từ các nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc đến TP.HCM trong dịp Tết, việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh xâm nhập là một khó khăn và vất vả lớn cho cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM.
Để đảm bảo các biện pháp chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xâm nhập biến thể mới của SARS-CoV-2 mới vào TP.HCM trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đã tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, các nhân viên làm việc 24/7 để giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
BS.CK II Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trước Tết nguyên đán, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đã tăng cường công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh xâm nhập từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các hành khách quốc tế đến đều phải qua 2 máy đo thân nhiệt từ xa của trung tâm đặt tại nhà ga Tân Sơn Nhất, có đội ngũ trực máy, quan sát các dấu hiệu nghi ngờ. Nếu nghi ngờ hành khách có các biểu hiện mắc COVID- 19 sẽ mời vào bên trong để kiểm tra, khai thác yếu tố dịch tễ, làm test nhanh để xác định sơ bộ tình trạng bệnh của khách.
Theo đó, trường hợp dương tính sẽ làm thủ tục nhập cảnh ngay tại khu vực cách ly tạm thời, sau đó vận chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục cách ly điều trị, giải trình tự gen, để có thể vừa điều trị vừa giám sát biến chủng COVID-19 xâm nhập TP.HCM.
"Đợt tăng cường này chúng tôi triển khai thêm test nhanh ngay tại sân bay để sàng lọc kịp thời, chặt chẽ hơn đối với các hành khách nhập cảnh có dấu hiệu nghi ngờ. Song song đó chúng tôi truyền thông phòng chống COVID-19 theo các hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cho các hành khách, nhân viên tại sân bay về các cách phòng tránh, xử lý lây nhiễm COVID-19 khi mình hoặc người thân bị mắc COVID-19", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, TP.HCM đã kiểm soát được dịch COVID-19 do đã có sự chuẩn bị kỹ từ trước Tết. Thời gian vừa qua, TP.HCM vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa thận trọng đối phó với dịch bệnh.
Cũng theo Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Đặc biệt, hiện là giai đoạn dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số nhiễm, số ca nặng, nhất là với người cao tuổi có bệnh lý nền, trẻ em.
"Chúng ta phải theo dõi sát sao công tác phòng chống dịch bệnh để kịp thời ứng phó với những biến thể quan ngại có thể kháng vaccine. Giai đoạn Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao. Chính việc giao lưu nhiều khiến người dân dễ dàng mắc một số bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, như COVID-19 hay cúm…", ông Thượng nói.
Cũng theo Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết giảm nhiều so với những tháng trước đây do làm tốt công tác chống dịch. Tuy nhiên với điều kiện giao lưu mật độ nhiều, nhiều người mang mầm bệnh sốt xuất huyết, cộng với việc không kiểm soát tốt vec-tơ truyền bệnh muỗi vằn, cũng dễ gia tăng số lượng người bị sốt xuất huyết.
"Cần lưu ý là bệnh tay chân miệng ở miền Nam đang lưu hành, nếu tiếp xúc giao lưu mà người dân không rửa tay thường xuyên thì dễ dàng mắc bệnh", TS.BS Nguyễn Vũ Thượng khuyến cáo.
Kiểm tra công tác tiêm vaccine COVID-19 tại Trung tâm Y tế Quận 3, đoàn công tác Bộ Y tế ghi nhận nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế tại đây đã trực xuyên Tết để thực hiện tiêm chủng cho người dân theo quy định. Trung tâm Y tế quận 3 đã cử 8 nhân viên y tế trực tại điểm tiêm chủng trong những ngày Tết. Tuy nhiên, số lượng người dân đến tiêm chủng trong những ngày qua chưa đông, trung bình mỗi ngày tiêm được khoảng 5-7 mũi vaccine.
Bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Quận 3 cho biết, Quận 3 luôn duy trì ít nhất 2 điểm tiêm. Theo đó, 1 ở Trung tâm y tế và 1 điểm ở các trạm y tế phường, các trạm y tế phường sẽ thay phiên nhau, đúng theo yêu cầu của Sở Y tế là luôn đảm bảo tiêm vaccine xuyên suốt Tết, sẵn sàng kích hoạt nếu tình hình COVID -19 tăng đột biến.
Sẵn sàng phương án ứng phó dịch bệnh
Tham gia buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đã cơ bản kiểm soát tốt. Tuy nhiên, thế giới vẫn xem đại dịch COVID-19 là mối quan ngại toàn cầu. Trong 8 tuần lễ vừa qua, trên thế giới thống kê có hơn 170 nghìn ca tử vong do COVID-19, do vậy chúng ta không được chủ quan.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cần có những giải pháp song song. Hướng thứ nhất là tiếp tục mở rộng tiêm vaccine COVID-19. Theo ông Châu, việc tiêm đủ các mũi vaccine bảo vệ cho người dân không bị nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt là những người ở nhóm nguy cơ. Song song đó cần tiếp tục theo dõi giám sát các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới, diễn tiến bệnh cảnh lâm sàng, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng xuất hiện trong bệnh viện.
"Chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục sẵn sàng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị để không bị bất ngờ khi số lượng người mắc COVID-19 gia tăng trở lại. Bài học kinh nghiệm làn sóng dịch bệnh trở lại lần thứ 4 năm 2021 là bài học chúng ta không bao giờ quên được. Vì vậy cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện về chẩn đoán điều trị", Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.
Cũng theo TS.BS Vĩnh Châu, trước tết ngành y tế TP.HCM cũng kịp khởi động lại Bệnh viện dã chiến số 13, quy mô 100 giường điều trị hồi sức. Do cơ sở vật chất của bệnh viện để lâu bị xuống cấp, nên vừa qua Sở Y tế đã nâng cấp sửa chữa lại để chỉ cần 24h có thể tiếp nhận được bệnh nhân trong tình huống xấu TP.HCM có dịch tăng trở lại.
"Trước đây đã có những ý kiến là có nên đóng hết toàn bộ các bệnh viện dã chiến hay không, tuy nhiên Sở Y tế sẽ kiến nghị UBND Thành phố giữ lại Bệnh viện dã chiến số 13. TP.HCM sẽ trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng ứng phó, kích hoạt, tránh tình trạng bất ngờ và quá tải hệ thống điều trị như năm 2021", ông Châu cho hay.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiến hành nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.
"Trước đây, trong giai đoạn dịch bệnh, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế 2 lần được tiến hành việc nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Ở Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 1 phòng an toàn sinh học cấp 3. Phòng này đạt tiêu chuẩn quốc tế, hàng năm Cục y tế dự phòng cũng kiểm tra để xác nhận tính an toàn của phòng nghiên cứu này. Virus SARS-CoV-2 đã có nhiều trong cộng đồng, xin phép Bộ Y tế cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD được nuôi cấy SARS-CoV-2", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị.
Sau khi kiểm tra thực tế tình hình hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết tại Trung tâm Y tế Quận 3 và công tác phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng – trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá nỗ lực của các đơn vị trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhận định, trước Tết đến nay, dịch COVID-19 ở TP.HCM trong tầm kiểm soát tuy vậy chúng ta không được lơ là, mất kiểm soát bởi vì sau Tết là mùa giao lưu, chắc chắn sẽ có những biển thể lạ xâm nhập mà chúng ta chưa phát hiện được có thể lây lan, tấn công nhất là những người chưa tiêm vaccine COVID-19, người mắc bệnh nền... Đặc biệt sắp tới chúng ta có rất nhiều lễ hội, tụ điểm vui chơi, du lịch nên cần phải có những khuyến cáo mạnh mẽ tại các điểm trên để người dân đeo khẩu trang khi đến những điểm đông đúc để giảm tốc độ lây lan. Bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường vaccine COVID-19 bởi có một bộ phận "người ta chỉ nghĩ đến mặt trái của tiêm vaccine nhưng mặt tốt của nó lại không để ý", ông Thượng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Thượng, sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM tuy giảm nhiều so với trước đây nhưng vào mùa khô này cần chuẩn bị các phương án kiểm soát tốt loăng quăng, muỗi bởi vì nguyên tắc của phòng bệnh, khi vùng bệnh càng nhỏ thì xác suất lây lan càng nhỏ đi.
"Người dân cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế. Đó là khi tham gia các phương tiện như máy bay, đến nơi đông đúc thì đeo khẩu trang, sát khuẩn, tiêm vaccine COVID-19 để có kháng thể miễn dịch bảo vệ, ít nhất là không bị nặng hoặc tử vong. Trong sinh hoạt giao lưu, ăn uống cần rửa tay thường xuyên, giúp bảo vệ ngăn lây lan bệnh đường hô hấp và bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tay chân miệng… Đặc biệt người dân ở các nơi, mặc dù mùa khô nhưng vẫn có muỗi vằn, cần tìm diệt lăng quăng để giảm sốt xuất huyết", TS.BS Nguyễn Vũ Thượng khuyến cáo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023.
Tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là khi học sinh trở lại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết. Tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19. Cùng với UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Đồng thời chủ động, tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tạo sự đồng thuận, không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19. Khuyến cáo đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 và các loại bệnh truyền nhiễm khác.