TP.HCM: Khu phố mới làm đường, lắp điện, chăm lo đời sống người dân

Nhiều khu phố mà ban điều hành đều là người mới nhưng với nỗ lực vượt qua khó khăn, đã thực hiện đúng sứ mệnh của mình, chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP.HCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, cuối tháng 4-2024, 4.861 khu phố, ấp mới được thành lập trên địa bàn 299/312 phường, xã, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đến nay, qua tám tháng thành lập, các khu phố, ấp mới đã dần hoạt động ổn định và làm được nhiều việc thiết thực cho người dân.

Dân có gì khó, cán bộ khu phố hỗ trợ ngay

Có mặt tại một con đường nhỏ cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa, thuộc khu phố 15, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM), người dân bày tỏ niềm vui với PV vì nơi đây mới được lắp đèn đường, giúp họ an tâm hơn khi đi lại trong đêm.

 Con hẻm ngay cạnh nghĩa trang ở khu phố 15 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) vừa được lắp điện chiếu sáng. Ảnh: LÊ THOA

Con hẻm ngay cạnh nghĩa trang ở khu phố 15 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) vừa được lắp điện chiếu sáng. Ảnh: LÊ THOA

Ông Nguyễn Khánh (62 tuổi) cho biết đoạn đường chỉ dài chừng hơn 100 m nhưng đây là khu vực gò mả khá phức tạp, không có đèn đường. Khi khu phố 15 mới được thành lập, nhận được phản ánh của người dân, ban điều hành khu phố đã xuống khảo sát rồi kiến nghị lên lãnh đạo UBND phường, sau đó nhân viên điện lực đã xuống đấu nối điện cho dân.

“Trước đó, đường tối thui ghê lắm, ai vào đây cũng sợ. Tôi ở ngay đây mà còn không dám ra ngoài, 8 giờ tối nhưng nhà nào cũng đóng kín cửa” - ông Khánh kể và bày tỏ cảm ơn ban điều hành khu phố mới.

Chia sẻ thêm, ông Khánh nói: “Khu phố là nơi gần dân nhất, có khó gì người dân cũng tìm lên khu phố, nếu việc vượt thẩm quyền khu phố thì người dân mới lên phường, quận”.

Còn tại đường Nguyễn Hữu Tiến (khu phố 12, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), hẻm 150 cũng vừa được hoàn thành nâng cấp mới toanh. Được biết, đây là con hẻm còn lại duy nhất được nâng cấp, nâng tỉ lệ các tuyến đường, hẻm trong khu phố 12 lên 100% đạt bê tông, nhựa hóa, có đèn chiếu sáng, cống thoát nước.

 Điểm chữa cháy công cộng được Chi bộ khu phố 12 vận động trong dân và lắp đặt tại một số điểm trong các con hẻm. Ảnh: HỒNG THẮM

Điểm chữa cháy công cộng được Chi bộ khu phố 12 vận động trong dân và lắp đặt tại một số điểm trong các con hẻm. Ảnh: HỒNG THẮM

Sống trong tuyến hẻm trước đây thường xuyên bị ngập, nay bà Giáp Thị Tình (46 tuổi) rất phấn khởi vì giờ đây gia đình bà đã có thể chuyên tâm làm ăn, không còn nỗi lo nửa đêm thức giấc kê đồ đạc, dọn dẹp nhà.

Ngồi quét sơn lại cổng rào sau khi tháo dỡ làm hẻm, bà Tình kể trước đây hẻm này chỉ có lối đi với mặt đường nhỏ, không cống thoát nước, không điện chiếu sáng. “Trời nắng không sao nhưng mùa mưa, nhà nào trong hẻm cũng lo đồ đạc hư hỏng vì nước mưa tràn vào” - bà Tình nói.

Sau khi khu phố mới được ra mắt không lâu, gia đình bà Tình và những hộ khác được ban điều hành khu phố đến thăm hỏi, vận động hiến đất làm hẻm. Nghe đến mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tất cả hộ dân đều đồng tình, ủng hộ.

Tại một số điểm giao của tuyến hẻm, khu phố đã vận động người dân cùng góp tiền lắp đặt được hai điểm chữa cháy công cộng, lập bốn tổ liên gia, vận động mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy. Khu phố 12 cũng xây dựng “đường cờ, hẻm cờ Tổ quốc”, hỗ trợ gạo cùng nhiều phần quà cho hàng trăm hộ dân khó khăn…

 Bà Châu Thị Hạnh (thứ 2 từ trái sang), Trưởng khu phố 2, phường 4, quận Phú Nhuận, thăm hỏi gia đình khó khăn tại khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Bà Châu Thị Hạnh (thứ 2 từ trái sang), Trưởng khu phố 2, phường 4, quận Phú Nhuận, thăm hỏi gia đình khó khăn tại khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Nối tiếp giấc mơ đến trường

Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ở khu phố 2 (phường 4, quận Phú Nhuận), em Trần Thị Mỹ Hạnh (18 tuổi) đang sắp xếp lại góc học tập nhỏ. Chỉ vài tháng trước, em còn loay hoay tìm cách mưu sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giờ đây, ước mơ được ngồi trên ghế nhà trường của Hạnh đã được viết tiếp nhờ sự giúp đỡ của người dân khu phố 2.

“Đến giờ em vẫn không nghĩ mình sẽ tiếp tục được đi học, em rất biết ơn các cô, chú khu phố đã luôn quan tâm, hỗ trợ gia đình em” - Hạnh xúc động.

Ông Trần Công Phú (ông của Hạnh) vốn là trụ cột chính trong gia đình có năm thành viên. Ông mưu sinh bằng nghề xe ôm nhưng sau đó vì bệnh nặng nên không còn khả năng lao động, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

May mắn thay, gia đình ông được Ban điều hành khu phố 2 quan tâm và hỗ trợ xuyên suốt. “Khu phố 2 hầu như ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình ông Phú. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi thống nhất hỗ trợ hằng tháng cho gia đình ông và để cháu Hạnh tiếp tục được đến trường” - bà Châu Thị Hạnh, Trưởng khu phố 2, chia sẻ.

 Khu vui chơi thể thao được Chi bộ khu phố 1 (phường 4, quận Phú Nhuận) vận động và xây dựng từ bãi đất bỏ hoang giờ trở thành điểm sinh hoạt chung của cả khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Khu vui chơi thể thao được Chi bộ khu phố 1 (phường 4, quận Phú Nhuận) vận động và xây dựng từ bãi đất bỏ hoang giờ trở thành điểm sinh hoạt chung của cả khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Còn ở khu phố 1 (phường 4, quận Phú Nhuận), sau khi thành lập không lâu đã xây dựng được công trình khu vui chơi kết hợp với không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trước kia, đây là khu đất trống bỏ hoang, rác bủa vây, cỏ mọc um tùm, nhiều cây xanh trơ trọi không ai chăm sóc. Qua hai lần vận động đóng góp trong dân với số tiền hơn 100 triệu đồng, khu vui chơi thể thao kết hợp không gian văn hóa Hồ Chí Minh của khu phố đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Người dân rất phấn khởi khi môi trường sống được cải thiện, trở thành nơi gắn kết cộng đồng, mang lại không gian sinh hoạt chung ý nghĩa.

“Già, nhỏ hay lớn bé cứ đến chiều, cuối tuần hay có dịp lễ là chúng tôi đều ra đây vui chơi, trò chuyện, sinh hoạt chung. Mọi người trong khu phố cũng nhờ vậy mà trở nên hòa đồng, gắn kết, không khí vui tươi hơn” – bà Cúc, người dân khu phố chia sẻ.

 Bà Mai Thị Lệ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 16 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), trao đổi thông tin với người dân trên địa bàn. Ảnh: LÊ THOA

Bà Mai Thị Lệ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 16 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), trao đổi thông tin với người dân trên địa bàn. Ảnh: LÊ THOA

Khu phố gọn lại, công việc nhẹ nhàng hơn

Bà Mai Thị Lệ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 16 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), cho biết khu phố 16 được tách ra từ khu phố 6. Đến nay, mọi hoạt động ở khu phố mới đã dần đi vào ổn định.

Theo bà Lệ, hiện khu phố có năm chức danh cứng, bốn chức danh mềm. Không còn tổ trưởng, khu phố cực hơn nhưng công việc cũng nhanh hơn vì mình trực tiếp xuống dân để nắm bắt tình hình. Chưa kể khu phố còn có group Zalo riêng, các thông tin tuyên truyền cũng thường xuyên được gửi trực tiếp đến người dân.

“Trước đây, tôi quản lý khu phố hơn 1.000 hộ dân, giờ còn hơn 500 hộ dân, giảm một nửa nên công tác quản lý được sâu sát hơn” - bà Lệ kể rồi bảo hồi đầu bà cũng lo lắng bởi trước có 38 người giúp sức, giờ không còn thì mình biết phải làm thế nào. Nhưng may sao rồi mọi chuyện cũng ổn, công việc cũng nhẹ nhàng, tinh gọn hơn, không phải việc gì cũng phải gõ cửa từng nhà nữa.

Dường như cũng bởi khu phố mới nên tinh thần cũng mới. Không khí vui vẻ, hào hứng, đồng lòng trong người dân được thể hiện rõ, nhất là vào ngày bầu cử trưởng khu phố mới, ngày Đại đoàn kết khu phố…

Bà Mai Thị Lệ vui mừng chia sẻ hiện thu nhập của ban điều hành khu phố cũng được tăng lên, ai nấy phấn khởi, quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Vui khi thấy đời sống dân được chăm lo tốt hơn

Bên cạnh những thuận lợi, nhiều khu phố cũng còn gặp khó về trụ sở hoạt động hay kinh phí để trang bị cơ sở vật chất.

Ông Lê Quỳnh Giao, Trưởng khu phố 15, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết với sự nỗ lực của cả tập thể, khu phố đã đề nghị phường cho trích một phần kinh phí được giao, vận động nhà tài trợ để thuê trụ sở mới trong thời gian một năm. Đồng thời vận động xã hội hóa để sửa chữa lại trụ sở làm việc, trang bị một số bàn ghế, máy móc, thiết bị cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Giao, hiện người dân chủ yếu giao dịch thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến nên khu phố cần máy tính và máy in để hỗ trợ người dân, song việc này chưa thực hiện xã hội hóa được. Ông Giao cũng mong lãnh đạo phường, quận có tính toán, hỗ trợ về kinh phí cho các khu phố mới hoàn toàn, những nơi còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về công việc một trưởng khu phố mới, ông Lê Quỳnh Giao cho biết sau một thời gian “thâm nhập thực tế”, ông đã bớt áp lực hơn, tự tin hơn và thường xuyên trực tiếp đi đến từng nhà dân.

“Từ lúc người dân không biết mình là ai, đến nay đã biết mình rồi, đôi lúc chỉ một câu chào, câu hỏi cũng khiến mình vui” – ông Giao nói và cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng khi thấy đời sống người dân được chăm lo tốt hơn thì ông có thêm động lực để cố gắng.

Vừa qua, khu phố cũng tích cực vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường, rọ mõm chó khi thả rông... Khu phố cũng tổ chức các quầy rau 0 đồng mỗi tuần và được đông đảo bà con ủng hộ.

*****

Khu phố Bason - điểm tựa tinh thần

Trên địa bàn TP.HCM có khu phố được đặt theo tên rất đặc biệt, đó là khu phố Bason với trọn vẹn Khu dân cư Vinhomes Bason, thuộc phường Bến Nghé, quận 1.

Khu dân cư Vinhomes Bason được hình thành từ xưởng đóng tàu Ba Son gắn liền với địa danh lịch sử quốc gia, có địa giới hành chính riêng biệt, độc lập. Từ đề xuất, mong muốn của người dân về việc đặt tên khu phố Bason để giữ lại yếu tố lịch sử, đặc thù này, quận 1 đã đề xuất UBND TP.HCM và được thông qua.

Phó Chủ tịch UBND phường Tạ Hoàng Sự cho biết việc đổi tên khu phố từ số (khu phố 9) sang chữ (khu phố Bason) đã mang lại giá trị tinh thần lớn trong đời sống người dân. Bà con ai nấy đều đồng thuận, phấn khởi, vui vẻ khi khu phố mình mang tên Bason gắn liền với địa danh lịch sử quốc gia và dễ nhớ.

“Đây là khu phố có tên gọi rất đặc biệt, nhiều ý nghĩa không chỉ với địa phương mà còn cả TP” – ông Sự thông tin và cho biết 100% hộ gia đình dự họp đã nhất trí với tên gọi này.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng khu phố Bason, chia sẻ tất cả thành viên trong Khu phố đều lần đầu tiên tham gia nên có nhiều bỡ ngỡ khiến việc quản lý khu phố mới cũng có những hạn chế nhất định.

Theo ông Trung, việc khu phố nằm vỏn vẹn trong một chung cư cao cấp với năm tòa nhà cao tầng, hơn 2.000 hộ dân, phần nào ảnh hưởng đến công tác nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của nhân dân khi tình trạng nhân khẩu luôn biến động

Hiện, khu phố thông qua các group zalo của năm tổ tự quản là năm Ban quản trị tòa nhà để chuyển tải thông tin tuyên truyền đến các hộ dân và tiếp nhận ý kiến từ người dân phản ánh đến các cấp có thẩm quyền.

Theo ông Trung, dù còn khó khăn nhưng các hội nhóm, đoàn thể của khu phố đã cố gắng xây dựng nhiều hoạt động, đạt được những kết quả đáng mừng. Trong đó, khu phố đã làm thẻ hội viên cho người cao tuổi, chi hội phụ nữ và khuyến học tham gia thi nấu ăn, khởi nghiệp, phát động phong trào nuôi heo đất hay thành lập câu lạc bộ bóng đá Bason.

Khu phố cũng chăm lo cho người nhiễm chất độc hóa học, gia đình chính sách, người khó khăn…

*****

Ý KIẾN

NGUYỄN THỊ THANH THẢO, Bí thư Đảng ủy phường 9, quận Phú Nhuận:

Giúp sức để khu phố mới hoạt động hiệu quả

Để gỡ khó cho các khu phố, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 9 đã tổ chức nhiều cuộc giao ban về tình hình hoạt động sau khi sắp xếp khu phố mới.

Lãnh đạo phường 9 cũng thường xuyên lắng nghe cấp ủy, ban điều hành khu phố trao đổi. Đồng thời, vừa chỉ đạo những việc khu phố cần làm để đạt hiệu quả vừa hướng dẫn những khu phố gặp khó khăn học tập thêm kinh nghiệm tại khu phố làm tốt…

Phường 9 còn ban hành kế hoạch để tổ chức cho nhân sự khu phố mới được giới thiệu, ra mắt đến các hộ dân, nhằm giúp người dân biết rõ nhân sự khu phố mới, từ đó hỗ trợ, giúp sức khu phố mới hoạt động hiệu quả.

-----

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân:

Xin sử dụng đất công dôi dư xây trụ sở

Dù rất nỗ lực nhưng phường biết các khu phố vẫn đang gặp khó khăn về vấn đề văn phòng trụ sở. Vừa qua, chúng tôi đã rà soát lại và báo cáo quận cho chủ trương sử dụng các phần đất công dôi dư để sửa chữa, xây dựng các văn phòng khu phố. Hiện nay phần đất này có khoảng 3-4 điểm trên địa bàn, có thể bố trí khoảng 52 khu phố. Nếu được cho phép, phường sẽ vận động xã hội hóa để thực hiện.

-----

TRẦN THỊ HỒNG CÚC, Bí thư Đảng ủy phường Tây Thạnh, quận Tân Phú:

Cần thêm thời gian thích nghi

Sau khi thực hiện sắp xếp, các khu phố đã nhanh chóng ổn định về tổ chức nhân sự và ranh giới địa bàn, nhân sự mới cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn.

So với trước đây, các khu phố mới hoạt động khá hiệu quả, không bị ảnh hưởng nhiều sau khi thực hiện sắp xếp. Hiệu quả này được thể hiện cao nhất ở sự đoàn kết, thống nhất và đồng lòng trong hệ thống nhân sự tham gia hoạt động ở khu phố và sự đồng tình hưởng ứng cao của nhân dân đối với các nội dung, hoạt động được triển khai.

Tuy nhiên, thời gian đầu khu phố cũng gặp không ít khó khăn. Việc điều chỉnh ranh giới địa bàn cần thời gian để đồng bộ hóa công việc. Khối lượng công việc cũng gia tăng trong khi nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là về kinh phí và cơ sở vật chất còn hạn chế, tạo áp lực không nhỏ cho đội ngũ cán bộ khu phố. Một số người dân ban đầu còn bỡ ngỡ với cách tổ chức mới nên cũng cần thêm thời gian để thích nghi…

LÊ THOA - HỒNG THẮM - BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khu-pho-moi-lam-duong-lap-dien-cham-lo-doi-song-nguoi-dan-post826687.html