TP.HCM kiểm tra an toàn thực phẩm nhóm sữa và thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM ra quân kiểm tra chuyên đề sữa, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt để bảo vệ người tiêu dùng.

Trước tình hình thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm phục vụ chế độ ăn đặc biệt, hỗ trợ dinh dưỡng đang được người tiêu dùng quan tâm, TP.HCM triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm siết chặt quản lý, kịp thời ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Kiểm tra toàn diện từ giấy tờ đến chất lượng sản phẩm

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm, sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt...

Đợt kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 21-4 đến hết ngày 30-5-2025.

 Một số loại sữa giả vừa được Bộ Công An phát hiện khi triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: DMS

Một số loại sữa giả vừa được Bộ Công An phát hiện khi triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: DMS

Theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc nhóm chuyên đề nêu. Nội dung kiểm tra bao gồm toàn bộ hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm, nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, hồ sơ nhập khẩu, tài liệu quảng cáo và giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở cũng là tiêu chí quan trọng. Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá các yếu tố như vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, nhân sự trực tiếp tham gia sản xuất – kinh doanh…

Đối với các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hoặc không đảm bảo an toàn, đoàn sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định.

Các cơ sở có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như GMP, HACCP, ISO 22000, BRC, FSSC 22000… cũng sẽ được kiểm tra chéo để đối chiếu việc thực hiện thực tế với hồ sơ công bố.

Phát hiện sớm ngăn ngừa rủi ro

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đợt kiểm tra lần này nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài xử lý vi phạm, trong quá trình kiểm tra, các đoàn cũng sẽ lồng ghép hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật nhằm hỗ trợ các cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Để thực hiện kế hoạch, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm đại diện các phòng chuyên môn trực thuộc Sở và chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong trường hợp cần thiết, đoàn có thể mời thêm đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp.

Việc kiểm tra được cam kết thực hiện khách quan, chính xác, đúng quy trình pháp luật, không gây cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng thẩm quyền. Nếu vi phạm vượt ngoài phạm vi xử lý của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hồ sơ sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiếp tục xử lý theo quy định.

Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, các đoàn sẽ báo cáo tổng hợp kết quả về Sở để phục vụ công tác quản lý, điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-nhom-sua-va-thuc-pham-dinh-duong-dac-biet-post845741.html