TP HCM kiểm tra tiến độ xây dựng Đền tưởng niệm Chiến khu Rừng Sác
Chiều 28/5, Bộ Tư lệnh TP HCM cho biết, vừa tổ chức đoàn công tác đến kiểm tra tiến độ xây dựng Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP HCM).
Qua chuyến kiểm tra, Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM đã nhấn mạnh, Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Chiến khu Rừng Sác là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Do đó, Bộ Tư lệnh TP HCM đã yêu cầu Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, để đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch đề ra.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Giờ (TP HCM) được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử của Chiến khu Rừng Sác.
Theo Ban quản lý dự án, Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Chiến khu Rừng Sác dự kiến thời gian hoàn thành vào tháng 7 năm 2024. Như vậy, công trình sẽ hoàn thành trước dịp kỷ niệm khởi nghĩa Nam kỳ (23/11), là một trong những sự kiện lịch sử mang ý nghĩa to lớn, cuộc khởi nghĩa nêu cao tinh thần bất khuất của nhân dân miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trước đó, Bộ Tư lệnh TP HCM và UBND huyện Cần Giờ (TP HCM) đã phối hợp tổ chức khởi công Đền tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Chiến khu Rừng Sác vào ngày 28/12/2023.
Rừng Sác, huyện Cần Giờ (TP HCM) là chiến khu được hình thành trong thời điểm chống Mỹ, cứu nước là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn - Gia Định về hướng Đông Nam, nơi có con sông Lòng Tàu là nơi vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ. Năm 1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập đặc khu Rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã chiến đấu, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng để chiến thắng kẻ thù, lập nhiều chiến công vẻ vang. Đến năm 2004, căn cứ rừng Sác được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.