TP HCM kiến nghị khẩn lên Thủ tướng việc đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ
Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, TP HCM với quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Tens), công suất thông qua 10-15 triệu Teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD, được nhà đầu tư đề xuất lên cơ quan chức năng
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.
Theo đó, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND thành phố và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc TP HCM tại Quyết định 1579/2021 của Thủ tướng Chính phủ (theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng Container trung chuyển quốc tế và triển khai đầu tư ngay trong thời kỳ 2021-2030) theo quy định.
UBND TP HCM cho biết Khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ nên có điều kiện hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP HCM và cả nước.
Trước đó, với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án Cảng Cửa ngõ trung chuyến quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ.
Năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP HCM đạt 164,19 triệu tấn, chiếm 23,36% so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước.
Hiện nay, các bến container tại khu vực cảng biển TP HCM đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh. Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/2021, trong thời gian tới các khu bến trên sông Sài Gòn của cảng biển TP HCM sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng.
Như vậy, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển TP HCM trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Vào tháng 11-2021, lãnh đạo VIMC/Cảng Sài Gòn đã có cuộc diện kiến với Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi làm việc, MSC/TIL bày tỏ mong muốn đề xuất hợp tác với VIMC, CSG nhằm phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ, TP HCM. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đề xuất này và đề nghị đối tác đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, tăng thêm sản lượng hàng hóa trung chuyển tại Việt Nam.
Sau khi ký kết thỏa thuận khung hợp tác, Tập đoàn MSC/TIL cùng đối tác Việt Nam VIMC/Cảng Sài Gòn đã nhanh chóng tập trung triển khai các công việc trong kế hoạch đầu tư xây dựng cảng với chương trình phát triển cụ thể theo yêu cầu của Thủ Tướng.
Theo đề xuất từ nhà đầu tư, dự án có quy mô khoảng 7,2 Km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Tens), công suất thông qua 10-15 triệu Teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Nhà đầu tư mong muốn được bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2040.