TP HCM: Kiến nghị thành lập doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhà ở xã hội
Sở Xây dựng TP HCM nhìn nhận thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp khiến phân khúc này không thu hút nhiều nhà đầu tư.
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2025.
Trong giai đoạn này, trên địa bàn TP HCM đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất gần 25 ha, gần 1,2 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn (đạt khoảng 75% kế hoạch). Đồng thời, xây dựng, đưa vào sử dụng một dự án nhà lưu trú công nhân với diện tích đất gần 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.500 người.
Theo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn hộ.
Đến quý II/2023, trên địa bàn thành phố đã đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn hộ; 7 dự án nhà ở xã hội và lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ.
Sở Xây dựng đánh giá tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2 là phù hợp thực tiễn, từng bước thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng đất đai, quy hoạch, thủ tục đầu tư...
Trong đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, bao gồm: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ... Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội còn phải được thẩm định giá bán; xác nhận đối tượng mua, thuê; kiểm soát lợi nhuận định mức... trong khi rất khó vay vốn ưu đãi. Những điều này khiến phân khúc nhà ở xã hội không thu hút nhiều nhà đầu tư.
Từ thực tế trên, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị hàng loạt cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư liên quan việc phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình - theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - đến hết năm 2025.
Đặc biệt, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn.