TP.HCM kiến nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt

Trong Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt, TP.HCM sẽ chú trọng hoàn thiện chính quyền đô thị theo hướng quản trị địa phương hiện đại, phù hợp với vai trò vị trí, yêu cầu phát triển của TP.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, năm 2025, TP.HCM sẽ tập trung nhận diện đúng vấn đề và từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại ở ba yếu tố: năng lực, động lực và môi trường. Ưu tiên cải thiện các yếu tố liên quan trực tiếp đến đội ngũ công chức, viên chức; phát huy sự đổi mới của đội ngũ công chức, viên chức.

 TP.HCM kiến nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM kiến nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo, TP sẽ tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị.

Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đáp ứng mục tiêu “muốn làm, làm được, được làm”.

Với mục đích nêu trên, UBND TP.HCM đề ra nhiều nhiệm vụ. Trong đó, đáng chú ý, để đột phá thể chế, TP.HCM đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội về việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 131/2020 nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính quyền đô thị tại TP.

Từ đó, đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương về xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Cụ thể, sẽ chú trọng hoàn thiện chính quyền đô thị TP theo hướng quản trị địa phương hiện đại, phù hợp với vai trò vị trí, yêu cầu phát triển của TP. Đồng thời, tổ chức cấp chính quyền và cấp hành chính cân đối với phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo sự chủ động của chính quyền địa phương tại các địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Tăng cường cơ chế thủ trưởng gắn với trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hoàn thiện cơ chế phân cấp và phân quyền rõ ràng, phù hợp cho chính quyền TP.

Về công tác tuyển dụng nhân lực, TP.HCM sẽ phối hợp với các tổ chức nhân sự hàng đầu thiết kế các bài phỏng vấn chuyên sâu (bài kiểm tra) nhân sự, đảm bảo mức độ thích hợp về năng lực, phẩm chất.

Thực hiện chuẩn hóa các bước đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức; tiến tới thiết kế hệ thống đánh giá, phân loại ứng dụng các giải pháp công nghệ, thực hiện trên môi trường điện tử.

Trong việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, TP.HCM tiếp tục mở rộng tuyển chọn theo hướng thi tuyển cạnh tranh. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế cho phép tạo nguồn lãnh đạo, quản lý từ đối tượng có trình độ cao, có tâm, có tầm, kể cả các đối tượng chưa là đảng viên nhưng có đủ phẩm chất, năng lực.

Đồng thời, ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ có nhiều đề xuất, giải pháp đột phá, có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trong phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, TP.HCM sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng việc lấy ý kiến, giao việc không phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng cùng một nội dung nhưng yêu cầu báo cáo nhiều lần, làm tăng khối lượng và áp lực công việc, đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị khác.

Ngoài ra, TP.HCM còn thực hiện nhiều chính sách về nhà ở, đào tạo, phát triển cán bộ.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kien-nghi-xay-dung-luat-quan-ly-va-phat-trien-do-thi-dac-biet-post826124.html