TP.HCM liên kết vùng để nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường
TP.HCM đông dân nên tiêu thụ lượng hàng hóa thực phẩm thiết yếu rất lớn. Trong khi đó, TP.HCM không phải là nơi tập trung sản xuất, nuôi trồng các mặt hàng này. Chính vì vậy, 20 năm nay, TP.HCM thực hiện Chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa.
Việc này giúp kiểm soát tốt thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, đầu cơ, găm hàng, thổi giá... Chương trình đã góp phần cho Thành phố kiểm soát tốt lạm phát nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở đây thường thấp hơn mức bình quân của cả nước. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục có nhiều cách làm mới, trong đó tăng cường liên kết vùng để chương trình hiệu quả hơn.
Lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp
Chị Nguyễn Thị Tú quê ở miền Trung vào TP.HCM sống và làm việc hơn 15 năm nay. Với mức lương công nhân sống ở nơi đắt đỏ này, chị phải tính toán rất kĩ cho việc chi tiêu. Vì vậy, chị Tú luôn chọn mua hàng bình ổn như: gạo, thịt, trứng, dầu ăn... yên tâm về chất lượng và giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, giảm được chi tiêu cho gia đình.
“Tôi mong có nhiều điểm bán hàng bình ổn hơn, nhiều mặt hàng bình ổn hơn nữa. Hiện nay, gạo, rau, thịt… điểm bán không đa dạng, cần đa dạng kênh, mở rộng điểm bán, bán chứ không phải tập trung chỉ kênh siêu thị” - chị Tú nói.
Chương trình Bình ổn thị trường của TP.HCM có sức lan tỏa rộng. Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp của TP.HCM mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tham gia chương trình. Lúc đầu, chương trình chỉ có 2 doanh nghiệp nhà nước tham gia, đến nay có 69 doanh nghiệp tham gia. Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.
Ban đầu, TP.HCM có hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp tham gia chương trình để chuẩn bị nguồn hàng. Từ năm 2013 đến nay, TP.HCM không hỗ trợ nữa, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn tăng và quy mô thực hiện lớn hơn.
Lượng hàng hóa bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến gần 70% thị phần hàng tiêu dùng thiết yếu của TP.HCM chủ động kiểm soát thị trường, ngăn được tình trạng găm hàng, đẩy giá tăng cao khi nguồn cung biến động. Chương trình không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn cả doanh nghiệp tham gia chương trình.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống bán lẻ Mega Market cho biết: “Chương trình mang ý nghĩa lớn về an sinh xã hội. Chương trình này có mang lại lợi ích cho cả 2, cho nhà nước và doanh nghiệp FDI. Tham gia chương trình này thì doanh nghiệp FDI muốn góp 1 phần chung tay với xã hội, đồng thời chúng tôi cũng sẽ có thêm nhiều khách hàng”.
Tăng liên kết, nâng cao tiêu chuẩn hàng bình ổn
Để thực hiện được chương trình này, TP.HCM tạo nguồn hàng từ các địa phương. Sở Công Thương một số tỉnh đang cung ứng hàng hóa cho rằng, TP.HCM cần thường xuyên tổ chức các cuộc kết nối, trao đổi trực tuyến giữa các nhà phân phối và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình cung ứng hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề xuất việc TP.HCM chủ trì cùng các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin nguồn cung, sản phẩm chủ lực, năng lực sản xuất của từng địa phương và nhu cầu của TP.HCM cụ thể về số lượng, chất lượng, giá cả, cập nhật từng thời điểm. Khi đó, TP.HCM và các địa phương trong vùng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.
“Nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu, ví dụ như hiện nay thị trường mặt hàng nào đang hút hàng, giá tăng vọt. Đồng Tháp, An Giang mùa này có cái gì, TP.HCM đang thiếu cái gì. Nguồn hàng ở địa phương nào có thì sẽ biết rõ, từ đó sự kết nối với nhau và ứng phó để bình ổn thị trường sẽ nhanh hơn” - ông Dũng nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc TP.HCM mở rộng về quy mô, danh mục hàng hóa, tăng về số lượng và yêu cầu cao hơn về chất lượng đối với Chương trình bình ổn. Chương trình này đã trở thành thương hiệu của TP.HCM. Khi đó, người tiêu dùng mua hàng không chỉ nghĩ đến hàng bình ổn là giá tốt, mà còn là hàng chất lượng được bảo chứng bởi cơ quan chức năng của Thành phố.
Theo TS. Trần Tiến Khai- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Chương trình cần có cơ chế liên kết vùng mang tính pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì hiện nay, mô hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, quy chuẩn an toàn sinh học giữa các địa phương chưa thống nhất.
“Cách tiếp cận tổng quát nhất là xác lập hàng rào tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc. Chúng tôi hướng đến là Nhà nước phải đưa vấn đề sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như là tiêu chuẩn bắt buộc, nếu sản xuất không an toàn thì không sản xuất” - TS. Trần Tiến Khai nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, đến nay, trong chương trình, tính liên kết giữa các bên chưa thực sự chặt chẽ, quy mô nên cần điều chỉnh, khắc phục: “Chương trình cũng cần phải có những điều chỉnh liên quan đến chủ động chuẩn bị nguồn hàng, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tính liên kết vùng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình đánh giá thương hiệu để làm tốt hơn những cái đã thành công trong giai đoạn hiện nay”.
20 năm nay, Chương trình Bình ổn thị trường của TP.HCM đã làm tốt sứ mệnh bình ổn thị trường, tạo sức lan tỏa mạnh và nhiều người tiêu dùng được hưởng lợi. Đồng thời, chương trình cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp tham gia. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình trong giai đoạn mới, rất cần cơ chế liên kết vùng chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh, thành trong khu vực với TP.HCM và hành lang pháp lý đồng bộ trong chuỗi liên kết này./.