TP.HCM loay hoay 'khai tử' xe ba gác

Từ năm 2008, TP.HCM đã cấm xe 3 - 4 bánh tự chế (xe ba gác), song đến nay loại xe này vẫn hoạt động nhiều ở các quận, huyện ngoại thành.

Dù đã cấm 12 năm nay nhưng vẫn nhiều người sử dụng xe tự chế 3 - 4 bánh làm sinh kế

Sau 12 năm, có thể thấy việc loại bỏ xe tự chế và tiến tới dừng hoạt động xe cơ giới 3 - 4 bánh có gắn động cơ tại địa phương này vẫn chưa thể thực hiện được.

Xe tự chế vẫn thong dong trên đường

Theo ghi nhận của PV, trên nhiều tuyến đường ở các quận, huyện như: Quận 9, 12, quận Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn vẫn còn nhiều loại xe thô sơ tự chế hoạt động. Đây là loại xe đã bị cấm 12 năm nay nhưng vẫn nhiều người sử dụng để chở những vật liệu cồng kềnh hoặc buôn bán hàng rong. Hầu hết những người sử dụng phương tiện này đều là người nghèo, kiếm sống qua ngày.

Nguyên nhân TP HCM muốn loại bỏ xe này là do nó được sản xuất thủ công, không có quy chuẩn kỹ thuật, thiếu an toàn. Tuy nhiên, thực tế là loại xe này chở hàng tiện dụng, luồn lách được vào đường nhỏ, giá chở hàng rẻ… nên thực tế người dân vẫn có nhu cầu dùng.

Mặt khác trên thực tế, việc xử phạt, tịch thu những loại xe tự chế trên còn lỏng lẻo, nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để, do đó vẫn còn nhiều loại xe này lưu thông trên đường.

Lý giải vì sao chưa loại bỏ được xe tự chế, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải thuộc Sở GTVT TP HCM cho biết, xe 3 - 4 bánh tự chế đã bị thành phố cấm từ lâu. Việc xử phạt thì UBND TP đã giao cho các địa phương, công an thực hiện. Việc đến nay vẫn còn diễn ra vi phạm do nhiều người có nhu cầu mưu sinh bằng loại phương tiện này, xử lý hôm nay nhưng ngày mai họ vẫn tái diễn. Mặt khác, số lượng phương tiện tạm giữ ngày càng tăng, các bãi giữ xe vi phạm của địa phương quá tải.

Riêng về loại xe cơ giới 3 - 4 bánh có gắn động cơ, có kiểm định, được cấp biển số cho phép lưu thông cũng đang được UBND TP nghiên cứu loại bỏ dần. Vì hiện nay phương tiện này không đảm bảo an toàn về thiết kế, máy móc, phụ tùng tự sản xuất lắp ráp, không có nguồn gốc xuất xứ.

Trên cơ sở đó, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với loại xe này, đồng thời quy định hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất.

Trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất thì phải bổ sung những quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cụ thể là được sản xuất, lắp ráp đảm bảo tương đương với phương tiện xe cơ giới (xe ô tô các loại), ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Tiến tới loại bỏ vào năm 2025

Theo Sở GTVT TP HCM, để triển khai có hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới, phải đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân thành phố. Đồng thời, cần có sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành có liên quan, nhằm đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực hiện.

Để không ảnh hưởng đến những người kiếm sống bằng xe cơ giới 3 - 4 bánh, giải pháp trước mắt, Sở GTVT đề xuất phương án điều chỉnh lưu thông đối với loại phương tiện này. Mục đích để hạn chế phạm vi hoạt động theo từng giai đoạn và dần tiến tới chấm dứt hoạt động trên địa bàn TP vào năm 2025.

Cụ thể, từ năm 2020 - 2021, cấm xe 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm. Từ năm 2022 trở đi, điều chỉnh thời gian cấm xe vào nội đô và một số tuyến đường từ 5h - 22h hàng ngày.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP giao Công an TP và các quận, huyện mạnh tay xử lý, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh đã có trong quy định từ năm 2008. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu bán phế liệu. Đồng thời, đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, chế tạo các loại phương tiện này, nếu cố ý vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.

Về lâu dài, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện lập đề án kiểm soát và chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới, xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn TP trong năm 2021.

TP HCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3 - 4 bánh tự chế, đồng thời chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo các địa phương, sau một thời gian nhận tiền hỗ trợ, giao nộp phương tiện, nhiều người vẫn tiếp tục lắp ráp xe cơ giới tự chế để hoạt động trở lại.

Đến nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện thành phố vẫn còn khoảng 30.000 xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động và có gần 2.167 xe cơ giới 4 bánh được đăng ký cấp biển số.

Đỗ Loan

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/tphcm-loay-hoay-khai-tu-xe-ba-gac-d489211.html