TP HCM long trọng kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến

Sáng 22/9, tại Nhà hát TP HCM, Thành ủy, UBND, HĐND và UB MTTQVN TP HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/09/1945-23/09/2020).

Đến dự lễ kỷ niệm có Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UB MTTQVN TP; đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VHTTDL, CLB Kháng chiến Tp, nhân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo và đông đảo nhân dân thành phố.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thành Phong xúc động chia sẻ, đã bao mùa thu đi qua nhưng mỗi ngày 23/9 đến thì khắp đường phố lại rộn rã không khí: “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu Sơn Hà nguy biến. Rền khắp trời là lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hồng Phúc).

Bài diễn văn do Chủ tịch UBND TP HCM nêu lại không khí của những ngày mùa thu lịch sử. Mùa thu năm ấy luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ vững bước tiến theo lá cờ vẻ vang của Đảng.

Thế nhưng, chỉ ít ngày sau Cách mạng Tháng Tám thì tình hình nước ta hết sức căng thẳng. Ở phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng lợi dụng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật hòng thôn tính chính quyền cách mạng non trẻ. Ở phía Nam, thực dân Pháp núp sau lưng đồng minh Anh - Mỹ đã kéo vào Sài Gòn với âm mưu tiếp tục áp đặt lại ách đô hộ trên đất nước ta, cai trị nhân dân ta. Cả nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách.

Đêm 22, rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp tiến hành gây hấn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Tiết mục tái hiện không khí sục sôi của ngày 23/9 trên khắp đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tiết mục tái hiện không khí sục sôi của ngày 23/9 trên khắp đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Phúc).

Trước hành động xâm lược đó, bất cứ nơi nào quân Pháp nổ súng đánh chiếm cũng đều bị quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt bằng vũ khí có sẵn trong tay, dù là vũ khí thô sơ. Các đội tự vệ, thanh niên xung phong đã đánh trả quyết liệt với địch tại dinh Đốc Lý. Đặc biệt, tại cột cờ Thủ Ngữ, tiểu đội bảo vệ cờ tuy chỉ có súng săn, dao găm đã dũng cảm đánh trả một đại đội lính Anh và đã anh dũng hy sinh đến người cuối cùng.

Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở phố Cây Mai - Chợ Lớn, tham dự hội nghị quan trọng này có các đồng chí Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… Đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vừa đến Sài Gòn ngày 27 tháng 8 cùng tham dự. Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch; quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch; sau đó Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo thành lập Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch; đồng thời gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị. Ngay trong sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: “Độc lập tự do hay là chết”! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khi xông lên đánh đuổi quân xâm lược...”.

Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt, chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc, nhà đèn bị phá.

Các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, kể cả những người từng làm việc cho Pháp trước đây đã bỏ lại nhà cửa, địa vị quyết tâm đi theo kháng chiến. Vì độc lập, tự do của dân tộc, tất cả người dân Nam Bộ quyết hy sinh tất cả chứ không chịu làm kẻ nô lệ.

Cuộc chiến đấu của Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tán thành và kêu gọi cả nước hỗ trợ. Ngày 24 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ… Đồng bào phải cương quyết giữ vững lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày Độc lập”.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ “vì cả nước, cùng cả nước” thành phố tiếp tục là đầu tàu phấn đấu thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Thành phố sẽ nỗ lực để xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thành phố anh hùng.

Cùng ngày, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP HCM tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề “Sáng mãi danh hiệu vẻ vang - Thành đồng Tổ quốc” tại Công viên Lam Sơn (Q.1) nhằm chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tp-hcm-long-trong-ky-niem-75-nam-ngay-nam-bo-khang-chien-508137.html