TP.HCM: Lớp học phát hiện F0 có thể giảm số tiết dạy trực tiếp
Số F0 và F1 là giáo viên, học sinh trên địa bàn TP.HCM đang tăng, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vẫn tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp.
Theo Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Trịnh Duy Trọng, về số ca dương tính là học sinh, ngày 21/2 TP.HCM ghi nhận 285 ca; ngày 22/2 là 219 trường hợp; ngày 23/2 có 178 ca; ngày 24/2 phát hiện 185 trường hợp; số trường hợp ngày 25/2 là 216. Trước tình hình trên, ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp.
Trong tuần qua, ngành giáo dục TP.HCM cũng đã thực hiện quy định mới về hướng dẫn xử lý các trường hợp F1 trong trường học. Theo đó, ở cấp mầm non, cả lớp sẽ nghỉ học nếu trong lớp xuất hiện ca dương tính.
Tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường hợp tiếp xúc gần (F1) sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày (đối với học sinh đã tiêm đủ liều vaccine) hoặc 7 ngày (đối với học sinh chưa tiêm đủ liều vaccine). Những trường hợp này sẽ quay lại cơ sở giáo dục khi nào có xét nghiệm âm tính. Quy định này thực hiện thống nhất ở tất cả các trường học, không phân chia theo khối lớp.
Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, TP.HCM cũng đưa ra hai kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục.
Thứ nhất, nếu 1 lớp học có từ 2 F0 trong 1 ngày thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.
Thứ hai, nếu trong cùng 1 ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
"Việc điều chỉnh hình thức dạy học là tiết chế lại số tiết, các hoạt động của lớp, của trường chứ không phải là ngưng học trực tiếp", ông Trọng cho hay.
Ông Trịnh Duy Trọng cũng mong muốn y tế địa phương (nơi cơ sở giáo dục trú đóng) có sự tăng cường phối hợp để nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 tại trường học. Đồng thời, hy vọng các bậc phụ huynh cộng tác với nhà trường trong việc thực hiện những biện pháp đảm bảo sức khỏe cũng như đề ra phương pháp học tập phù hợp cho trẻ em, học sinh.
Liên quan đến giấy xác nhận âm tính cho học sinh là F1 đã hoàn thành việc cách ly, ông Trịnh Duy Trọng cho hay, theo hướng dẫn của ngành y tế, các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế, cở sở y tế có nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm) sẽ là đơn vị cấp giấy xác nhận này.
"Đây sẽ là điều kiện tốt nhất, bởi lẽ, nhân viên y tế có chuyên môn, đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, việc công nhận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho cho các em quay trở lại trường học trực tiếp", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Duy Trọng, thực tế, một số phụ huynh chưa có điều kiện, gặp khó khăn trong việc đưa con đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Do vậy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Sở Y tế đã thống nhất cũng như xin ý kiến UBND TP.HCM về việc triển khai việc hướng dẫn cho phụ huynh học sinh xét nghiệm COVID-19 cho con em tại nhà.
Cụ thể, ngành giáo dục cùng cơ quan y tế sẽ phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh thực hiện xét nghiệm. Qua đó, công nhận kết quả xét nghiệm cho học sinh, đảm bảo an toàn cho các em sau khi hoàn thành cách ly và đi học trực tiếp trở lại.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ ngày 13 đến 26/2, TP.HCM ghi nhận 505 ca mắc COVID-19 trong độ tuổi 0-6; 1.055 ca trong độ tuổi 7-11; 587 ca trong độ tuổi 12-15 và 512 ca trong độ tuổi 16-18.
Báo cáo tại 3 bệnh viện Nhi trên địa bàn TP.HCM (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho thấy, tính đến 8 giờ sáng 28/2, TP.HCM có 197 trẻ nhập viện vì mắc COVID-19 và 519 ca được phát hiện qua khám sàng lọcm, 9 ca phải hỗ trợ hô hấp.
Vân Nhi