TP.HCM - mảnh đất giang rộng tay đón người tứ xứ

Sách 'Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố của tôi' là bức tranh toàn cảnh về thành phố vừa hiện đại vừa giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, đón chào người đến rồi yêu và ở lại.

 Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Tùng/Nguyễn Huỳnh Bách.

Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Tùng/Nguyễn Huỳnh Bách.

Bức tranh đó gồm 16 mảnh ghép - 16 bài viết đoạt giải trong cuộc thi viết “Thành phố của tôi” do Báo Phụ nữ TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), được chọn từ hơn 1.000 bài viết gửi về tham dự.

Diễn ra từ tháng 10/2023, cuộc thi là dịp tôn vinh các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản có giá trị văn hóa - lịch sử của thành phố tuổi đời hơn 300 năm. Cuộc thi cũng nhằm giới thiệu các sáng kiến, hiến kế của chuyên gia và người dân để góp phần vào sự phát triển chung TP.HCM.

Người đến, yêu và ở lại với thành phố

Các bài viết cũng cho thấy sự nghĩa tình, thương yêu giữa những người dân sống tại thành phố, dù xa lạ hay thân quen. Trên hè phố, không khó để bắt gặp những bình nước mát lành đặt gọn bên đường hay những hộp xôi nghĩa tình, những ổ bánh mì 0 đồng, hộp cơm nóng... được chuyền tay, lót lòng nhau qua cơn đói.

Tại đây cũng không thiếu những cá nhân sẵn sàng nhường “tấc đất, tấc vàng” mở rộng lối đi cho cả khu phố dù có khi, bấy nhiêu vốn liếng ấy là của để dành, tích góp cả cuộc đời.

 Sách Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố của tôi. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Sách Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố của tôi. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Tác giả Hoàng Hiền nhớ về kỷ niệm tuổi trẻ trong Ở trọ Sài Gòn, qua đó gợi mở hình ảnh một thành phố phồn hoa rực rỡ, ôm vào lòng bao nhiêu xóm trọ thân thương, là nơi đã đón chào người dân khắp mọi miền tổ quốc về học tập, làm việc và sinh sống.

Từ đó để thấy người tứ xứ đến với TP.HCM, ban đầu có thể vì cái ăn, cái mặc, vì việc học hành, lập nghiệp... nhưng rồi “phải lòng” nơi này mà ở lại và đóng góp cho thành phố ngày một lớn mạnh. Sài Gòn - TP.HCM là thành phố của những hoài bão và khát khao cống hiến của thế hệ đi trước, thế hệ bây giờ và thế hệ mai sau.

Giải nhất cuộc thi trao cho bài viết Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn! của tác giả Ray KusChert. Quay lại Việt Nam vào năm 2012 với mong muốn "gắn kết với mảnh đất trong ký ức", ông Ray Kuschert (con của một người lính Australia tham chiến tại Việt Nam từ năm 1965) nhận thấy "Mỗi ngày trong lần đầu tiên tôi đến TPHCM là một trải nghiệm mới. Từ Dinh Độc Lập đến nhà thờ Đức Bà, sông Sài Gòn và những tượng đài tôn vinh các anh hùng trong quá khứ, dòng chảy liên tục của lịch sử và văn hóa đã đưa tôi đến bước ngoặt cuộc đời mà tôi chưa từng cảm nhận trước đây".

Chuyến trở lại TP.HCM một năm sau đó đã "níu chân" ông, khiến ông quyết định ở lại và gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Cảm thấy may mắn và biết ơn những gì TP.HCM dành cho mình, ông luôn tâm niệm "phải cống hiến nhiều hơn nữa".

Cuộc thi trao một Giải Nhất cho tác phẩm Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn! của tác giả Ray KusChert; hai Giải Nhì cho tác phẩm Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh và cụm bài Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ của tác giả Diễm Mi; 3 Giải Ba cho Vĩnh Lộc như quê mẹ của tôi (Nguyễn Văn Mỹ), Tươi tắn dòng kênh xanh Nhiêu Lộc (Bùi Thị Đồng Dao), Như một lời tri ân (Huỳnh Trương Phát).

10 Giải Khuyến khích trao cho Những tờ báo thơm mùi mực ở hẻm chợ Ông Hoàng (Nguyễn Đước), Sài Gòn, cho tôi sống một thời tuổi trẻ tươi đẹp (Ngô Thị Thu Vân), Ở trọ Sài Gòn (Hoàng Hiền), Và rừng đã xanh cho thành phố... (Tiểu Quyên), Lời hỏi han của dì Năm và chiếc áo cho mượn (Phạm Thị Yến), Mình có chút đất thì hiến cho đường rộng hơn (Thu Lê), Những nhịp đập yêu thương (Bảo Vy), Một Sài gòn ấm áp tình người (Khaled Fadl Mohammed Mohammed Elsayed), Đường sách tôi yêu (Trần Vĩnh), Nhớ những ngày tạm quên 2 chữ “về nhà” (Thanh Bình).

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-manh-dat-giang-rong-tay-don-nguoi-tu-xu-post1543189.html