TP.HCM: một ngày ba vụ kiện hành chính
Theo UBND TP.HCM, việc quy định và bắt buộc người bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp mà không được ủy quyền cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu xử lý vụ việc để tham gia tố tụng, là không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác tại TP.HCM.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp để kiến nghị giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia tố tụng hành chính theo Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.
Trong đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định Khoản 3 Điều 60 về việc người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp.
Cụ thể: Theo khoản 3 Điều 60, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện và “Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Người đại diện theo ủy quyền thì không được ủy quyền lại cho người thứ ba theo Khoản 5 Điều này.
Trước đây, ngày 16-5-2016, UBND TP.HCM đã có Công văn số 241 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao về khó khăn vướng mắc dự kiến sẽ gặp đối với vấn đề này.
Sau khi luật có hiệu lực ngày 1-7-2016, TP.HCM thụ lý gần 1.000 vụ án hành chính trong hơn một năm. Như vậy, trung bình một ngày TP.HCM có gần ba vụ án hành chính.
Với trình tự thủ tục tố tụng hành chính, mỗi vụ án hành chính kéo dài từ 4 đến 6 tháng hoặc hơn 9 tháng nếu có quyết định tạm đình chỉ vụ án, người bị kiện phải tham gia rất nhiều giai đoạn như cung cấp chứng cứ, đối thoại, xác minh và các phiên tòa...
Với mức độ quản lý, điều hành tại TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện hầu như không thể xếp lịch làm việc theo lệnh triệu tập của tòa để trực tiếp tham gia tất cả giai đoạn của gần 1.000 vụ án hành chính trong một năm công tác.
Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, do bị động trong việc lên kế hoạch tham gia tố tụng, người bị kiện thường vắng mặt trong tất các trình tự, thủ tục xét xử. Nhiều trường hợp mặc dù Thủ trưởng cơ quan bị kiện đã có văn bản ủy quyền cho cấp và người được ủy quyền trực tiếp tham gia tố tụng những vẫn được xem là người bị kiện vắng mặt và yêu cầu phải cung cấp thêm văn bản đề nghị xét xử vắng mặt của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Việc người bị kiện vắng mặt tại các phiên tố tụng dù được luật cho phép nhưng cũng đã gây tâm lý tiêu cực cho người khởi kiện, về lâu dài dễ bị một số đối tượng cơ hội lợi dụng, kích động cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị.
Do đó, theo UBND TP.HCM, việc quy định và bắt buộc người bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp mà không được ủy quyền cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu xử lý vụ việc để tham gia tố tụng, là không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác tại TP.HCM
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện; bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện tại các Điều 60, 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; hướng dẫn áp dụng thống nhất về việc không yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp cán bộ, công chức thực hiện thủ tục làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện là cơ quan hành chính nhà nước...
Ủy ban không cần làm đơn xin xét xử vắng mặt
UBND TP.HCM cũng đề xuất TAND Tối cao hướng dẫn các biểu mẫu áp dụng cho các đương sự trong tố tụng hành chính để nộp cho tòa.
Trường hợp không quy định biểu mẫu áp dụng cho đương sự thì đề nghị có hướng dẫn quán triệt tránh việc cá nhân tự ý quy định hoặc yêu cầu đương sự thực hiện nhiều lần theo cách hiểu của cá nhân, không chính thống.
UBND TP nêu ví dụ có trường hợp người bị kiện được yêu cầu khi làm thủ tục đề nghị xét xử vắng mặt phải làm văn bản có tiêu đề là “Đơn xin vắng mặt” mặt chứ không chấp nhận hình thức công văn hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/tphcm-mot-ngay-ba-vu-kien-hanh-chinh-727838.html