TP HCM muốn lập 'TP phía Đông': Đề xuất chưa có tiền lệ lập 'TP trong TP'
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký Văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập 'Thành phố phía Đông' trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức.
Chưa có tiền lệ
Theo định hướng của TP HCM, TP phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là khu công nghệ cao (quận 9), ĐH Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ngoài ra, khu Đông còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.
Dự kiến, TP phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 211,57km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số 1.169.974 người (đạt 779,98% so với tiêu chuẩn quy định).
Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ và TP HCM có thể sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương.
TP HCM xác định “TP trực thuộc TP” là chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn về hồ sơ thủ tục nên đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận việc TP phía Đông dự kiến được thành lập sẽ không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp…
Nhìn nhận vấn đề này ở góc độ pháp lý, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) cho hay: “Thực ra, một thành phố có cơ chế đặc biệt, không giống bất cứ đơn vị hành chính nào của cả nước thì TP phía Đông không phải đầu tiên.
Đầu tiên phải kể đến là TP Vạn Tường (ở tỉnh Quảng Ngãi). TP Vạn Tường chỉ sáp nhập một vài xã của huyện Bình Sơn lại nhưng lại không trực thuộc huyện mà trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, đến nay hơn 15 năm, TP Vạn Tường vẫn chỉ là cái tên chứ chưa có cơ quan hành chính. Hay còn có thành phố mới Bình Dương.
Tuy nhiên, TP Vạn Tường và TP mới Bình Dương là thành lập mới từ hạ tầng, cơ sở mới đến hành chính. Còn TP phía Đông thì hạ tầng, đơn vị hành chính sẵn có, chỉ là gộp lại đặt tên và đặt ra cơ quan hành chính. Do đó, có thể gọi TP phía Đông là chưa có tiền lệ”.
“TP HCM rất rộng, vì thế nếu có những cơ chế đặc biệt, thuận lợi cho việc phát triển thì cũng nên thực hiện. Ý tưởng TP phía Đông rất hay nhưng nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về hành chính, về quản lý và đặc biệt là hiện nay chưa có quy định pháp luật để thực hiện ý tưởng này”, LS Nghĩa.
“Ý tưởng của TP HCM có được phê duyệt hay không thì trải qua rất nhiều thủ tục. Từ sự đồng ý, góp ý, đề xuất của các bộ, ngành. Và ý tưởng này phải do Quốc hội phê duyệt”.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là rào cản về pháp lý và cơ chế. Do đó, để thực hiện được việc này, cần có cơ chế riêng, đặc thù và phải do Quốc hội ban hành. Ở TP HCM, khu đô thị Nam Sài Gòn hay khu Tây Bắc đều có cơ chế riêng và có thành công nhất định mà không cần đổi tên, không cần đặt ra cơ quan hành chính – chính trị các cấp. Nhưng TP phía Đông là 3 quận nhập thành một thì khác”, LS Nghĩa nói.
“Có cần thiết phải lập một cấp đơn vị hành chính lơ lửng?”
Còn LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nêu: “Trước đây 3 quận này là huyện Thủ Đức. Khi đó TP HCM cũng lý giải để phát triển nên xin tách. Đến nay, TP HCM cũng lấy lý do tương tự để nhập. Nhưng tại sao không nhập thành một quận mà lại là TP? Có cần thiết phải lập một cấp đơn vị hành chính lơ lửng, chưa từng có? Đâu nhất thiết phải đổi tên thì mới xin được cơ chế riêng?”.
“Về mặt pháp lý, dù chưa quy định nhưng Quốc hội vẫn có thể chấp nhận nếu TP HCM lý giải được “tại sao phải nhập, tại sao phải là TP trực thuộc TP”. Chưa kể đến chuyện xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông. Và thành lập bộ máy như thế nào?
“TP phía Đông về hành chính ngang hàng với cấp quận/huyện. Trong TP này chỉ có cấp phường, chứ không thể trong TP lại có cấp quận nữa. Nếu TP trực thuộc TP mà có cấp quận thì nó không thuộc cấp hành chính nào theo quy định pháp luật cả”.
Theo LS Hiệp, về mặt thuận lợi, việc nhập thành một để thống nhất về hành chính, cơ chế, quản lý là điều tốt cho việc phát triển đô thị về hướng Đông. Việc thực hiện đề án này sẽ nhanh hơn vì các quận đã có sự phát triển về hạ tầng, đô thị cơ bản, có các khu công nghiệp, khu đô thị và đặt biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm; chỉ cần thay đổi một số thủ tục về hành chính. Do đó, việc thực hiện nhập 3 quận thành 1 rất dễ và ít tốn thời gian. Việc nhập này không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của các quận về kinh tế, chính trị xã hội.
Về mặt bất lợi, ít nhiều sẽ tạo sự xáo trộn trong đời sống người dân. Bất lợi thứ hai là có thể sẽ làm chững lại đà phát triển vì phải lo thực hiện các bước thay đổi, nhập, thành lập mới về hành chính, cắt cử lực lượng cán bộ sao cho phù hợp. Bất lợi thứ ba, chắc chắn nó sẽ tạo ra một cơn sốt đất ảo đối với các quận này và nảy sinh nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp lý.
“Căn bản là chính sách của TP phía Đông sau này như thế nào thì mới ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và xã hội. Hướng tốt hay xấu thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề”, LS Hiệp nói.
“Nói tóm lại, theo tôi, việc nhập 3 quận thành 1 là bình thường, việc xin cơ chế riêng để phát triển là tốt. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao phải là “TP trực thuộc TP”? Ví dụ như Phú Quốc vẫn là huyện nhưng có cơ chế riêng. Và TP HCM phải lý giải được mô hình “TP trực thuộc TP” sẽ có thuận lợi như thế nào thì mới có thể được TW chấp nhận”, LS Hiệp nhận định.