Hà Nội hỗ trợ Quảng Nam phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, chiều ngày 8/11, Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTT&DL Quảng Nam trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn giữa 2 tỉnh thành.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam Văn Bá Sơn, du lịch nông thôn, nông nghiệp tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2009. Hiện Quảng Nam có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn, trong 9 tháng 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 6.475.000 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong những tác nhân thu hút du khách đến với tỉnh Quảng Nam nhưng một số tour du lịch mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan, chưa có sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe và nhà vệ sinh; Các dịch vụ du lịch, quy mô nhỏ và chưa đảm bảo đủ các điều kiện để phục vụ nhu cầu của du khách.

Trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoài Nam

Trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoài Nam

Hoạt động liên kết giữa du lịch, và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, chưa đem lại hiệu quả cao. “Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam chưa thật sự có chiều sâu khi phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức đơn giản của du khách”- ông Sơn nêu rõ.

Góp ý để tỉnh Quảng Nam phát triển được loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nêu rõ Quảng Nam nên phát triển du lịch nông thôn theo hướng xây dựng tuyến qua đó kết nối các điểm đến thành sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao cho du khách trải nghiệm.

Đồng thời trong quá trình xây dựng tour, tuyến, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thống kê nhu cầu của du khách, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour phù hợp. “Sở VHTT&DL Quảng Nam nên xây dựng một số tour du lịch nông nghiệp nông thôn làm mẫu cho các doanh nghiệp lữ hành, địa phương lấy đó làm cơ sở phát triển tour phù hợp thực tế”-ông Thắng hiến kế.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đề xuất, thời gian tới ngành du lịch Quảng Nam cần đẩy mạnh liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã nông thôn mới với doanh nghiệp lữ hành qua đó chào bán sản phẩm du lịch cho khách du lịch nội địa và quốc tế.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu góp ý, du lịch Quảng Nam nên đẩy mạnh thực hiện xây dựng các chương trình du lịch kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP. Thông qua hoạt động này vừa tăng tính hấp dẫn cho tour du lịch, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho người dân; Khuyến khích các sản phẩm OCOP theo hướng gắn với giá trị văn hóa, cộng đồng, sinh thái, lịch qua đó hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững, sử.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam khảo sát mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam khảo sát mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh hỗ trợ các trang trại, HTX, hộ thành viên cộng đồng ở nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

“Hiện ngành du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác du lịch nông thôn thông qua việc xây dựng tour "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" gồm tuyến Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Trong giai đoạn 2024 - 2025, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tập trung hoàn thiện tuyến du lịch thứ 2 kết nối Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên.

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Mường, xã An Phú, huyện Mỹ Đức nhằm hướng đến bảo tồn văn hóa và phát huy các giá trị nghề truyền thống của đồng bào Mường ở An Phú, huyện Mỹ Đức; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của điểm du lịch Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng...Đây là mô hình nông nghiệp nông thôn mà du lịch Quảng Nam nên học tập từ đó phát triển tại địa phương"- ông Hiếu đề xuất.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ho-tro-quang-nam-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon.html