TP.HCM nhắm 64.000 ha đất làm TOD
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trên địa bàn có 64.000 ha đất có thể phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Ngày 25/2, UBND TP.HCM phối hợp với Tổng lãnh sự quán Anh tổ chức Hội thảo về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Thành phố là một trung tâm kinh tế lớn và đô thị đông dân nhất cả nước, nhiệm vụ quy hoạch giao thông, đô thị đặt ra yêu cầu phải phát triển nhanh, hài hòa, gắn kết, đồng bộ cơ sở hạ tầng.
Trong đó, việc phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm, nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và bền vững cho TP.HCM cũng như toàn vùng.
Theo quy hoạch, TP.HCM phải hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035. Đồng thời, Thành phố đã có quyết định triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến đường sắt đô thị và vành đai 3 trong giai đoạn 2024 - 2028. Trong đó, 9 vị trí sẽ được triển khai ngay trong năm 2024 - 2025.
"Việc phát triển TOD sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường sống và tối ưu hóa hệ thống giao thông công cộng", ông Cường nói thêm.

TP.HCM xác định có khoảng 64.000 ha đất có thể phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Ảnh: Lê Toàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết Thành phố đang gấp rút áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được Quốc hội thông qua ngày 19/2.
Tuy nhiên, vấn đề là triển khai cơ chế sao cho hiệu quả, lộ trình phát triển phù hợp, phương án huy động và tổ chức nguồn lực, cũng như cơ chế khuyến khích xã hội hóa. Ngoài ra, việc xác định các khu vực ưu tiên thực thi cũng là một bài toán quan trọng đặt ra cho chính quyền thành phố.
Theo ông Tuấn, quy hoạch mới đã xác định sắp xếp và tổ chức không gian Thành phố nhằm tạo dư địa phát triển và động lực tăng trưởng mới, bao gồm khu vực đô thị trung tâm, TP. Thủ Đức; đồng thời đẩy nhanh triển khai mô hình TOD gắn với chỉnh trang đô thị.
Hiện tại, quỹ đất tiềm năng phát triển theo mô hình TOD tại Thành phố hiện còn 32.000 ha thuộc các khu vực đất nông nghiệp, đất trống không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới dân cư hiện trạng và khoảng 9.000 ha thuộc các khu đất công nghiệp, sản xuất, đất có thể chuyển đổi chức năng.
Ngoài ra, Thành phố cũng xác định có khoảng 23.000 ha thuộc các khu vực hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang có dân cư hoặc các khu chức năng hiện tại có thể khuyến khích tái phát triển gắn với TOD.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn bên lề Hội nghị, PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải trường Đại học Việt Đức (VGTRC) nhìn nhận TP.HCM đang đứng trước một cơ hội lịch sử để phát triển đường sắt đô thị cũng như đô thị xung quanh nhà ga, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
Theo ông Tuấn, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các cơ chế và chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM đã mở ra rất nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt, cũng như các cơ chế đặc thù để Thành phố có thể rút ngắn quy trình và cách thức triển khai đô thị xanh, nhà ga, phục vụ cho việc nâng cao khả năng kết nối, cũng như tạo cơ hội để nâng cao sử dụng giao thông công cộng.
Đồng thời thu hút nguồn lực từ đất đai để giúp tiếp tục phát triển hệ thống đường sắt đô thị cũng như giảm giá cho vận hành.
Ngoài Nghị quyết này, một thuận lợi khác của TP.HCM là có thêm Nghị quyết số 98. Như vậy, cánh cửa đã mở ra, vấn đề chỉ còn là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào.
Theo ông Tuấn, để tổ chức triển khai thực hiện thành công, cần xác định tầm nhìn và kế hoạch cụ thể, đặc biệt là phải thay đổi tư duy cũng như cách làm cũ. Nếu không, sẽ mất cả trăm năm mới triển khai được mạng lưới metro dài 355 km cũng như các đô thị xung quanh nhà ga.
“Nếu như chúng ta nâng cao năng lực cũng như thay đổi cách tư duy, cách thực hiện thì có thể rút ngắn xuống vài chục năm”, ông Tuấn nói thêm.
Trước mắt, chuyên gia gợi ý TP.HCM có thể thành lập Hội đồng TOD. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng sẽ do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND Thành phố chuyên trách đảm nhiệm. Thành viên của Hội đồng là Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện có tuyến đường sắt đô thị đi qua. Điều này nhằm quyết định các vấn đề trong quy hoạch, chính sách, cơ chế đặc thù hoặc những vấn đề mang tính chiến lược.
Ngoài ra, dưới Hội đồng sẽ có Văn phòng TOD. Văn phòng này đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên môn kỹ thuật đa ngành. Ví dụ quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, đầu tư, tài chính, tài nguyên môi trường… để triển khai ngay các quy hoạch cũng như các dự án đường sắt đô thị.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-nham-64000-ha-dat-lam-tod-d249074.html