TP.HCM: Nhiều đối tượng dùng hóa đơn khống để hợp thức hóa nguồn gốc cát

Giai đoạn từ năm 2019-2022, TP.HCM đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp.

Ngày 26-7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh, giai đoạn 2019-2022.

Tàu khai thác cát trái phép ở TP.HCM. Ảnh: A.H

Tàu khai thác cát trái phép ở TP.HCM. Ảnh: A.H

Nhiều hành vi khai thác cát trái phép tinh vi

Tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng trong khu vực cũng tăng mạnh.

Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC

Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC

"Hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện được đánh giá là siêu lợi nhuận, kinh phí đầu tư không nhiều. Vì vậy, các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý"- ông Châu nói.

Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng TP.HCM, đánh giá thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường khai thác cát từ 21 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Địa điểm khai thác thường chọn những vùng biển xa bờ từ 6 đến 10 hải lý và là địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre…

"Trong quá trình khai thác chúng luôn có lực lượng quan sát, cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát thì thông báo cho các đối tượng khai thác rút vòi bơm, xả cát xuống biển, chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh"- ông Thắng nói.

Để hợp thức hóa nguồn gốc cát, nhiều đối tượng đã sử dụng hóa đơn khống. Cụ thể, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, họ cung cấp các hóa đơn của các công ty doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, mua bán vật liệu để trình và nhằm qua mặt cơ quan chức năng hoặc quay vòng hóa đơn, hoặc tìm cách hợp thức hóa bằng các hợp đồng mua bán vận chuyển cát có sẵn.

Điển hình, tháng 11-2021, công an TP phát hiện Công ty TNHH Dương Gia do đối tượng Dương Thanh Tùng là người đại diện theo pháp luật có hành vi mua 10 tờ hóa đơn khống để hợp thức hóa 32.060 m3 cát san lấp dùng cho dự án tại ấp 2 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Ngăn mua bán hóa đơn

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh của TP với các tỉnh, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc ngăn thủ đoạn của những đối tượng mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng phòng cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM), cho biết thời gian tới đơn vị sẽ thực hiện tốt Quy chế phối hợp, thiết lập “đường dây nóng” với các tỉnh. Việc này nhằm thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động của các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, trữ lượng được cấp quyền khai thác, phương tiện vận chuyển, đơn vị tiêu thụ… để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát trái phép.

Đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Sở KH&ĐT, Cục Thuế, Sở TN&MT TP thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và việc kê khai nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp cát san lấp, cát xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng, bến bãi kinh doanh cát trên địa bàn TP.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, kết quả thực hiện đề án trong giai đoạn từ năm 2019-2022, TP.HCM đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6 tỉ đồng.

Trong quá trình thực hiện đề án, các đơn vị đã gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn một số giải pháp được đưa ra trong giai đoạn 2023-2026 là tiếp tục kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lắp tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đặc biệt là công tác quản lý hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng phạm vi các biện pháp nghiệp vụ, để kiểm tra, rà soát nguồn gốc cát san lấp, cát xây dựng của các dự án trên địa bàn TP. Cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương đến xã, phường vùng giáp ranh với TP, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng...

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-nhieu-doi-tuong-dung-hoa-don-khong-de-hop-thuc-hoa-nguon-goc-cat-post744048.html