TP.HCM: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

TP.HCM lên các phương án hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất như gia hạn và hoàn thuế, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…

UBND TPHCM vừa có báo cáo tình hình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và sau dịch Covid-19.

Theo đó, tại báo cáo về tình hình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và sau dịch Covid-19, Cục Thuế TP.HCM cho biết, đơn vị này đã rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số lên tới 255.904 doanh nghiệp và 43.778 cá nhân.

Cục Thuế đã chủ động gửi thông báo qua thư điện tử theo danh sách đã kết xuất để người nộp thuế rà soát với quy mô, ngành nghề thực tế; đồng thời hướng dẫn đăng ký gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trực tuyến qua hệ thống thuế điện tử eTax. Hiện tại, Cục thuế đã nhận được hơn 22.000 giấy đề nghị gia hạn được nộp qua hệ thống eTax.

Đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, Cục Thuế thành phố đã nhận được 9.823 giấy đề nghị gia hạn với tổng số tiền gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang rất cần sự hỗ trợ về các chính sách để phục hồi sau dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang rất cần sự hỗ trợ về các chính sách để phục hồi sau dịch Covid-19.

Đối với công tác triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với các hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, đến nay số lượng hộ kinh doanh được UBND cấp xã gửi cơ quan thuế để thẩm định là 1.761 trường hợp. Cơ quan thuế đã xác định được 947 trường hợp hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ và 401 trường hợp không thuộc diện được hỗ trợ.

Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, thành phố làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Các ngân hàng thương mại hỗ trợ chủ yếu tập trung hai nhóm gồm giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ. Đến cuối tháng 3/2020, đã hỗ trợ cho 223.940 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 290.577 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (Nhóm 1) với tổng số tiền 7,594 tỷ đồng.

Người lao động trong các doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền 15,072 tỷ đồng. Người lao động trong các doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền 2,703 tỷ đồng.

Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động (Nhóm 2); hỗ trợ hộ kinh doanh (Nhóm 3) với số tiền 879 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (Nhóm 4) với tổng số tiền 424 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm. Hỗ trợ người lao động tự do làm các công việc được quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền 66,876 tỷ đồng. Hỗ trợ người bán lẻ vé số lưu động với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng…

Tại lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố đã xử lý hồ sơ tạm hoãn vào quỹ hưu trí tử tuất cho 244 đơn vị với 22.439 lao động. Dự kiến số doanh nghiệp tạm hoãn khoảng 2.000 đơn vị với 136.730 lao động. Tổng số doanh nghiệp gửi hồ sơ xác nhận hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động là 2.167 đơn vị, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận được 1.860 đơn vị với 48.610 lao động.

Ngoài ra, thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp ứng phó của ngành du lịch đối với dịch Covid-19 như: hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau dịch Covid-19; triển khai chương trình kích cầu du lịch phục hồi du lịch sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố và 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch Covid-19 và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gỡ những khó khăn; đến thời điểm hiện nay, Sở Du lịch đã tổng hợp danh sách 50 doanh nghiệp.

Đức Linh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tp-hcm-nhieu-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-anh-huong-boi-dich-covid-19/20200613095249519