TP.HCM: Nhiều khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 18/3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: Thành phố có 22.482 giáo viên tiểu học, 17.484 giáo viên trung học cơ sở, 12.005 giáo viên trung học phổ thông. Số giáo viên tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 83%.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang nỗ lực khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên bằng nhiều biện pháp như: Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, áp dụng cơ chế thỉnh giảng và hợp đồng lao động ngắn hạn... để đảm bảo triển khai được chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường hợp giáo viên do sức khỏe, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không đảm bảo yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học (thiết bị, thí nghiệm, thư viện…) hoặc giải quyết nghỉ hưu sớm theo quy định.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bà Tuyết cũng cho biết, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, trong đó giáo viên vẫn chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy. Trong khi thời gian tập huấn ngắn vừa tập huấn xong phải vào dạy ngay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phòng học/lớp chưa đáp ứng được đà tăng dân số, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu và việc thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi cho những năm tiếp theo khi tỷ lệ học sinh học 2 buổi của khối tiểu học. Tình trạng sĩ số học sinh cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Thiết bị dạy học chưa được trang bị đầy đủ, cụ thể là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn liên bộ về ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 để Sở GD&ĐT Thành phố có căn cứ đề nghị các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn tiếng Anh và Tin học, đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên 2 môn này để thu hút và giữ chân đội ngũ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bình quân mỗi năm TP.HCM tăng thêm 40.000 học sinh. Các quận vùng ven như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh có số học sinh tăng nhiều nhất. Trung bình mỗi năm TP.HCM xây thêm khoảng hơn 1.000 phòng học, có năm xây thêm 1.500 phòng.

Tuy nhiên, số phòng này chỉ đủ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng thêm, không giảm được sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Mặc dù vậy, các quận huyện đều cố gắng để học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 được học 2 buổi/ngày với tỷ lệ cao nhất hoặc nhiều hơn 6 buổi/tuần.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TP.HCM đang tồn tại nhiều vấn đề, vướng mắc cần được đánh giá thấu đáo để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Đặc biệt, việc yêu cầu các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khiến các địa phương phải chịu áp lực việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp trong bối cảnh thiếu quỹ đất, khó khăn về vốn, thủ tục đầu tư. Đây là sức ép vô cùng lớn đặt lên vai các địa phương. Bên cạnh đó việc thừa thiếu cục bộ giáo viên hiện nay là vấn đề khó tránh khỏi. Do đó, công tác xây dựng đội ngũ cần tính toán độ mở, tạo điều kiện cho các trường bổ sung đội ngũ giảng dạy.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-nhieu-kho-khan-trong-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-153603.html