TP. HCM: Nhiều nhà hàng 'xé rào' để mở cửa phục vụ ăn uống tại chỗ
Dù chưa cho phép phục vụ hàng ăn tại chỗ, nhưng nhiều nhà hàng tại TP. HCM chấp nhận rủi ro để 'xé rào' phục vụ khách hàng tại chỗ.
Chỉ thị 18 của UBND TP. HCM quy định từ ngày 1/10 dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang đi, không được phục vụ tại chỗ.
Nhà hàng tại TP. HCM vẫn trong quá trình chờ đợt cho phép được phục vụ tại chỗ.
Tuy nhiên, để triển khai một số hoạt động trên tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ, vừa qua Sở Công thương TP. HCM đã có tờ trình. Trong đó, đề nghị UBND TP. HCM xem xét cho phép triển khai việc bán hàng ăn uống phục vụ tại chỗ, phù hợp một số quy định về an toàn phòng chống dịch.
Dù đang chờ TP. chấp thuận, nhưng những ngày qua có một số hàng quán trên địa bàn TP. HCM đã rục rịch phục vụ khách hàng tại chỗ.
Trao đổi với PV, anh N. - một quản lý tại nhà hàng trên trường Phạm Ngọc Thạch thông tin, nhà hàng đã mở cửa bán lại từ ngày 14/10. Tất cả đã đầy đủ, ổn định để phục vụ khách hàng.
Theo anh N. cho biết, "nhà hàng bên em hoạt động phải mở máy lạnh, bởi không mở máy lạnh thì ngột thở cả khách lẫn phục vụ; nhà hàng ăn nhậu mà không cho bán bia rượu thì làm gì mà có khách".
Nhiều thực khách ở TP. HCM đang chờ ngày được cùng bạn bè ngồi lai rai.
"Chỉ có điều, xe khi khách đi ô tô đến thì bọn em không để ở phía trước nhà hàng mà sắp xếp chỗ khác. Mình tế nhị chút là được. Anh cứ qua, bọn em tiếp đón bình thường", anh N. nói thêm.
Cũng theo anh N., không chỉ có nhà hàng của anh mà một số nhà hàng khác trên địa bàn cũng đã mở cửa hoạt động trở lại. Khi mở cửa còn thông báo công khai trên facebook để khách hàng biết, ghé ủng hộ.
Không "tế nhị" như một số nhà hàng ở Trung tâm TP. HCM, một số nhà hàng trên địa bàn quận 7 mở bán ăn uống công khai từ phòng lạnh lẫn ngoài sân vườn, bán từ sáng tới tối khuya. Điều đặc biệt, các nhà hàng này đều có diện tích mặt bằng lớn và có tiếng trong giới ăn nhậu như NH 7.X, H.D, S.Q, H., ...
Một nhà hàng ở quận 7 đã mở cửa phục vụ khách hàng bình thường.
Không ngần ngại với phóng viên, anh H. (Q. 7) cho biết, mặt bằng thì trả tiền mỗi ngày, kéo dài mấy tháng, đuối lắm rồi. Giờ còn bảo chờ cho phép thì đến bao giờ mới được hoạt động trở lại. Ý thức phòng chống dịch bệnh thì bọn em cũng có quy định, đồng thời khách hàng họ cũng ý thức tự bảo vệ bản thân. "Nếu không may thì phải chịu thôi anh ạ", anh H. mệt mỏi.
Về phía khách hàng, anh B.Trọng (một người dân) cho biết, mấy tháng nhốt trong nhà đuối lắm rồi, giờ mở cửa tìm chỗ ăn cũng khó. Đi làm mà ko có chỗ ngồi để ăn bữa cơm cho đàng hoàng, nói gì là làm vài ly với bạn bè.
"Tìm được chỗ ngồi thì cũng phải biết chỗ, cũng phải là khách quen biết, làm vài ly thì phải vào nhà hàng lớn mới có", anh Trọng nói.
Cũng là một nhà hàng khá lớn bán bia tươi trên đường Pasteur, ông Phan T. T. quản lý ở đây thông tin, nhà hàng chúng tôi chưa mở lại.
Người dân TP. HCM mong chờ dịch qua nhanh để được gặp gỡ bạn bè.
Theo anh T., thứ nhất là TP chưa cho phép mở lại, mặt khác khi cho phép thì cũng còn nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Mở lại mà phải đóng cửa tiếp thì mất công và tốn kém lắm. "Mặt khác, nhà hàng chúng tôi chỉ là điểm giao tiếp anh em bạn bè, quan hệ làm ăn chứ không vì mục đích lợi nhuận nên cũng không bất chấp để mở cửa", anh T. nói.
"Phần lớn những nhà hàng mở cửa lúc này là những nhà hàng lớn và "chi cứng" cũng lớn. Nhà hàng nhỏ thì không mở lúc này được đâu. Nhiều nhà hàng muốn mở cửa phải chấp nhận rủi ro", ông Phan T. T. nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP. HCM sẽ mở dần dịch vụ ăn uống tại chỗ và một số dịch vụ khác tại vì nó là đặc điểm của TP. HCM và để người dân phát triển sinh kế. Tất nhiên, việc mở lại các dịch vụ này phải theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực TP. đã quy định.
Chỉ thị 18 của UBND TP. HCM quy định từ ngày 1/10, nhiều ngành nghề, lĩnh vực được mở cửa hoạt động trở lại trừ quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.