TP HCM: Nhiều nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng tới
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 không chỉ là hoàn thành chỉ tiêu cả năm mà còn chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt để TP HCM tăng tốc
Ngày 29-6, UBND TP HCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dự và chỉ đạo cuộc họp.
Phục hồi sớm hơn kỳ vọng
Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai nhận định kinh tế - xã hội thành phố phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng, tạo sự tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Từ mức giảm sâu ở quý III và IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% thì 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM ước đạt 728.706 tỉ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Như vậy, quá trình phục hồi và tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. "Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch" - bà Lê Thị Huỳnh Mai nhận định.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, các khu vực kinh tế tăng trưởng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa như kỳ vọng, chỉ số cải cách hành chính chưa cao, khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực chưa đạt kế hoạch.
Về nguyên nhân, bà Lê Thị Huỳnh Mai lý giải ngoài những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung thì lý do nữa là môi trường đầu tư còn thiếu hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công vì còn mất nhiều thời gian.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng kết quả 6 tháng qua là nỗ lực rất lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, sự đồng tình của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM quan tâm triển khai hiệu quả Nghị quyết 117/2021 của HĐND thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2022 để đạt kết quả cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND thành phố tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về giá cả và triển khai các chương trình bình ổn thị trường với các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, quan tâm giải quyết tồn tại trong thực hiện các gói an sinh. Cũng theo bà Nguyễn Thị Lệ, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phục hồi kinh tế, do đó cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án.
Tạo đà tăng tốc
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm phục hồi nhanh. Theo ông Phan Văn Mãi, sau dịch, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ đòi hỏi giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn để nâng cao năng lực hấp thụ vốn. Ông đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết HĐND thành phố đề ra. Đồng thời, rà soát 49 nội dung chương trình đề án trong 3 chương trình đột phá của thành phố. "Quyết tâm đến tháng 10 này, sau 2 năm Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, tất cả đề án phải đưa vào triển khai, không nằm trên giấy nữa" - ông Phan Văn Mãi nói. Ông đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm không chỉ hoàn thành chỉ tiêu cả năm mà còn chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt để tăng tốc trong năm 2023.
Về các dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt chỉ tiêu. Các dự án trọng điểm như chương trình nhà ở, chống ngập, giao thông, trung tâm tài chính… cũng được ông yêu cầu tập trung làm nhanh.
Riêng vấn đề giáo dục, ông Phan Văn Mãi chỉ đạo trước mắt chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, các hoạt động hè và năm học mới. Về vấn đề học phí, TP HCM sẽ sửa đổi mức học phí theo quy định nhưng chưa tiến hành thu trong năm học 2022-2023 và tiếp tục hỗ trợ học phí cho các em.
"Với đề án chuyển các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM nói đó là lộ trình dài hạn. Không phải năm 2022 bàn thì năm sau được đáp ứng và đừng để giá đất bị đẩy quá cao khi việc chuyển lên chưa thành.
Thực hiện chính quyền đô thị còn nhiều khó khăn
Tại hội nghị, ngoài tình hình kinh tế - xã hội, UBND TP HCM còn báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện chính quyền đô thị. Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết bên cạnh mặt thuận lợi trong quá trình thực hiện, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc nên tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa. Nhiều đơn vị gặp lúng túng trong điều hành ngân sách khi UBND các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách (do không tổ chức HĐND tại 16 quận).
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cũng thông tin trong 6 tháng đầu năm, sở này nhận nhiều phản ánh của các quận về thiếu nguồn vốn sửa chữa đường, hẻm; không chủ động sử dụng kết dư ngân sách để làm các dự án. Do đó, trước mắt thành phố bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỉ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất. Về lâu dài, thành phố báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn.