TP.HCM: Nhiều quận huyện đã đóng toàn bộ chợ truyền thống
TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè là những quận huyện tại TP.HCM đã đóng toàn bộ chợ truyền thống.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến 16 giờ 30 ngày 22.7, trên địa bàn TP.HCM có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động và có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động (3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống). Trong đó, các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn bao gồm: TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè.
Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết… đã khôi phục hoạt động trở lại như: chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ, chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương, chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức, chợ Hưng Long, chợ Hóc Môn…
Trong ngày 22.7, chợ Hóc Môn tổ chức hoạt động với 9 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả; có 190 lượt người đến chợ.
Sở Công Thương nói rằng các chợ truyền thống được hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K. Đồng thời, tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua. Khuyến khích bán hàng đồng giá và chỉ mở cửa đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả.
Các chợ truyền thống phải đảm bảo an toàn mới được hoạt động trở lại
Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết trong ngày 22.7, thành phố đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.
Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 21 điểm với 31 lượt xe lưu động theo đề xuất của các quận huyện. Trong đó, quận 1, quận 6, Củ Chi mỗi địa phương có 1 điểm; quận 7, quận 8 là 2 điểm; quận Bình Thạnh, quận Bình Tân 3 điểm; quận Tân Bình, thành phố Thủ Đức 4 điểm. Lượng hàng hóa bán trong ngày gồm 7 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 11.000 quả trứng.
Tương tự, Viettel Post cũng tổ chức 34 điểm bán với lượng hàng hóa là 11 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, đồ khô…). VN Post tổ chức 22 điểm bán với 1 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 3.000 quả trứng.
Như vậy, tính từ ngày 11.7 đến ngày 22.7 (12 ngày), TP.HCM đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức với tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại và 120.700 quả trứng. Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện. Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với lượng hàng hóa là 256 tấn; VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe, lượng hàng hóa là 50 tấn và 10.000 quả trứng.