TP HCM: Nhiều vỉa hè lởm chởm

Vỉa hè tại một số tuyến đường trung tâm ở TP HCM bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi bộ và mất mỹ quan đô thị

"Hơn 1 năm lô cốt dựng ở đây khiến đoạn đường thường xuyên bị ùn ứ, để đi nhanh, nhiều người chạy xe máy lên vỉa hè. Mỗi ngày có hàng trăm xe đi lên, vỉa hè nào chịu nổi! Chưa kể, sáng sớm, nhiều xe tải nhỏ chở rau, hoa quả đậu lên vỉa hè để bán nên lại càng xuống cấp trầm trọng" - chị Tường Vy (ngụ đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức) bức xúc chỉ tay về phía gạch lát nứt vỡ trước nhà.

Bong tróc, nham nhở

Chị Tường Vy cho biết thêm vì vỉa hè bong tróc, lồi lõm nên đã có không ít người đi bộ không cẩn thận, bị té ngã.

Cũng tại TP Thủ Đức, đường Tố Hữu (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) dù nhà chưa xây nhưng vỉa hè nhiều nơi đã sụt lún, lồi lõm, cỏ mọc um tùm, nhất là đoạn vỉa hè ngay cầu số 10.

Ngay tại các quận trung tâm thành phố cũng không khó ghi nhận tình trạng vỉa hè xuống cấp, bể nát như đường Phạm Ngọc Thạch, Phùng Khắc Khoan (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10)...

Từ vài viên gạch bị bung lên ban đầu, dần mở rộng ra thành những mảng to, hố lồi lõm. Đặc biệt, ở nhiều tuyến đường một chiều, mặt đường nhỏ cộng với lượng ôtô tăng vào giờ cao điểm, xe máy chạy ào ào trên vỉa hè, lao thẳng lên cả phần gạch bong tróc. "Mong chính quyền cải tạo những đoạn vỉa hè đã hư bằng gạch lát chắc chắn hơn. Có thể làm rào chắn hoặc xây vỉa hè cao để tránh bị các xe xâm hại" - anh Đỗ Hữu Phi (ngụ quận Bình Thạnh) đề nghị.

Không chỉ xuống cấp, nhiều đoạn vỉa hè tại TP HCM còn bị người dân tự ý sửa chữa, thay gạch. Ghi nhận tại đường Bàu Cát (quận Tân Bình), ngoài những đoạn vỉa hè được làm đồng bộ về màu sắc, chất liệu, kích cỡ thì một số nhà dân tự ý thay đổi, làm lại vỉa hè trước khu vực nhà khiến nhiều đoạn vỉa hè chỉ dài vài chục mét đã có đến 4-5 loại gạch, độ cao thấp khác nhau dẫn đến vỉa hè như "tấm áo vá" nhiều màu sắc.

Vỉa hè đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh (Ảnh: Anh Vũ)

Vỉa hè đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh (Ảnh: Anh Vũ)

Vỉa hè đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (Ảnh: Lê Vĩnh)

Vỉa hè đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (Ảnh: Lê Vĩnh)

Cần quy trình cụ thể, đồng bộ về quản lý

Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng chất lượng công trình muốn bền bỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố: chất lượng ở giai đoạn thiết kế, thi công và quá trình khai thác sử dụng. Công tác xây dựng vỉa hè của TP HCM thời gian qua cơ bản đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật. Việc vỉa hè ngày càng xuống cấp, bong tróc, hư hỏng đa phần nằm ở giai đoạn khai thác, sử dụng.

"Đặc tính kỹ thuật của vỉa hè chỉ là phục vụ cho đi bộ. Tuy nhiên, hiện người dân chạy xe lên vỉa hè; buôn bán, lấn chiếm; tự ý sửa chữa, thay đổi vật liệu ốp, lát khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng là những nguyên nhân dẫn đến việc vỉa hè xuống cấp" - chuyên gia này phân tích.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè tại TP HCM đang bị các cơ quan chức năng buông lỏng trong những năm gần đây. TP HCM cần nhanh chóng có kế hoạch trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nhất là khi thành phố sắp đưa vào hoạt động nhiều loại hình giao thông công cộng.

"Việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ tốt vỉa hè. Chưa lấy lại được vỉa hè mà đã lát gạch lên, người dân thấy đẹp lại lấn chiếm, thế là vỉa hè lại xuống cấp" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu dẫn chứng.

Nói về xu hướng lát gạch cho tất cả các vỉa hè, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không phải vỉa hè nào cũng cần lát gạch. Cơ sở hạ tầng ngầm của thành phố chưa hoàn chỉnh, thỉnh thoảng cần phải đào lên để thi công đường ống nước, dây cáp...

Sau mỗi lần đào lên, vỉa hè lại bị bong tróc, hư hỏng. Vì vậy, tại các tuyến đường không cần tính thẩm mỹ cao, chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng ngầm, chỉ nên láng xi-măng. "Vỉa hè ở trung tâm thành phố các nước lớn vẫn láng xi-măng, nếu thi công đúng kỹ thuật thì vẫn bền lâu mà cũng không xấu hơn vỉa hè được lát gạch" - ông Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra.

Về vấn đề vỉa hè được giao về UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố chưa có quy trình cụ thể và thống nhất về quản lý, xây dựng vỉa hè dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, vỉa hè bị mất đi tính đồng bộ và trở nên nhếch nhác.

Quy định xử phạt

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), căn cứ điểm g, khoản 3, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Nghị định123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2022), người đi xe máy điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển để vào nhà) thì bị xử phạt hành chính 400.000 - 600.000 đồng. P.Dũng

LÊ VĨNH - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/tp-hcm-nhieu-via-he-lom-chom-20220524222924288.htm