TP.HCM nỗ lực đưa xe buýt trở thành phương tiện giao thông văn minh, thân thiện

Thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực khắc phục nhiều tồn đọng, bất cập trong hoạt động của xe buýt, đưa phương tiện giao thông này ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện với đông đảo người dân.

Trong bối cảnh ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện cá nhân tăng cao, TP.HCM đang từng bước kéo giảm phương tiện cá nhân bằng cách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, trong đó nổi bật là hệ thống xe buýt.

Có thể nói, TP.HCM đã nỗ lực không ngừng để khắc phục những bất cập trong bức tranh tổng thể của hoạt động xe buýt, thúc đẩy loại hình này phát triển ngày càng tốt hơn.

 Xe buýt TP.HCM đang được phát triển mạnh.

Xe buýt TP.HCM đang được phát triển mạnh.

Xe buýt còn nhiều điểm trừ

Trong thời gian qua, một số hình ảnh chưa được đẹp của xe buýt đã khiến hành khách có cách nhìn thiếu thiện cảm với loại hình này. Tình trạng xe buýt vi phạm các quy định về an toàn giao thông như tài xế vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi lái xe, lấn làn, đi ngược chiều… xảy ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, thái độ thiếu thân thiện của các nhân viên xe buýt cũng là trở ngại lớn để thu hút người dân sử dụng loại hình này. Từ thực tế chủ quan trên, xe buýt chưa được ưa chuộng và yêu mến đối với khách hàng và cả người dân lưu thông trên đường phố.

 Xe buýt số 30 nằm vắt ngang giao lộ Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn khi đèn đỏ.

Xe buýt số 30 nằm vắt ngang giao lộ Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn khi đèn đỏ.

Ghi nhận của PLO, khoảng 10 giờ 30 ngày 9-1-2025, tại giao lộ Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (quận 1), xe buýt số 30, biển số 51B-025.XX lưu thông "ôm trọn" làn xe máy, khiến dòng xe máy trên đường Điện Biên Phủ ùn ứ kéo dài phía sau.

Đáng nói khi đến giao lộ trên, xe buýt này đã cố rướn lên vượt qua giao lộ khi chỉ còn vài giây cuối của đèn xanh dẫn đến bị mắc kẹt, nằm vắt ngang giữa giao lộ vì tiến thoái lưỡng nan. Bị chiếc xe buýt to lớn cản trở, các phương tiện từ đường Lê Quý Đôn không thể lưu thông qua giao lộ dù có đèn xanh, dẫn đến giao thông hỗn loạn, ùn ứ nghiêm trọng. Nhiều xe máy cố luồn lách vào chỗ trống của dòng xe ô tô, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

 Xe buýt số 55 lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc 15 giờ 15 ngày 9-1 với dòng xe máy ùn ứ phía sau.

Xe buýt số 55 lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc 15 giờ 15 ngày 9-1 với dòng xe máy ùn ứ phía sau.

Tương tự, khoảng 15 giờ ngày 9-1, ghi nhận trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), hàng loạt xe buýt lấn hết làn xe máy khiến khu vực ùn ứ nghiêm trọng, trong đó đa phần là xe buýt số 45 và 55. Dòng xe máy kẹt cứng phía sau những chiếc xe buýt, không có khoảng trống vượt lên trước, dòng xe phải nhích từng chút một.

 Xe buýt số 45 "bao trọn" làn đường cho xe máy lưu thông.

Xe buýt số 45 "bao trọn" làn đường cho xe máy lưu thông.

 Một xe buýt số 45 khác cũng lưu thông tương tự, cả khu vực ùn ứ nghiêm trọng.

Một xe buýt số 45 khác cũng lưu thông tương tự, cả khu vực ùn ứ nghiêm trọng.

Tương tự, đến 15 giờ 30 phút, xe buýt số 45, biển số 51B-252.XX cũng chiếm trọn làn xe máy, buộc nhiều phương tiện phải leo lên vỉa hè, vượt lên trên. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có 3 làn xe lưu thông nhưng xe ô tô cá nhân và xe buýt thường giàn gần hết chiều rộng mặt đường, nhóm xe máy gặp khá nhiều khó khăn.

 Một xe buýt dùng băng keo che số xe lấn hết làn xe máy.

Một xe buýt dùng băng keo che số xe lấn hết làn xe máy.

Sinh sống tại TP.HCM, chị Vũ Như Mai (22 tuổi, quận Bình Tân) có 7 năm liền gắn bó với xe buýt trên quãng đường đi học phổ thông và đại học. Chị Mai đánh giá việc đi xe buýt rất tiết kiệm, thuận lợi, giúp ích nhiều cho việc di chuyển nhưng bên cạnh đó, chị cũng có nhiều kỷ niệm "khó quên" về xe buýt.

"Những năm đi học từ Bình Tân đến TP Thủ Đức, tôi nhiều lần chứng kiến nhân viên xe buýt quát tháo, tài xế xe buýt thường xuyên vừa nghe điện thoại vừa lái xe, nói chuyện lớn tiếng, phóng nhanh vượt ẩu, ép xe máy hay thắng gấp vào các trạm để đón khách" - chị Mai nói.

Hồi tháng 11-2024, tài xế H.T.T (38 tuổi) bị Đội CSGT Bàn Cờ lập biên bản hành vi "dùng tay sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe chạy trên đường" tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Bắc Hải (quận Tân Bình).

 Tài xế vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại. Ảnh cắt từ clip

Tài xế vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại. Ảnh cắt từ clip

Một hành khách khác là chị Nguyễn Thị Huỳnh Dao (ngụ TP Thủ Đức), cho hay thỉnh thoảng có dùng xe buýt để đến quận 5, đón xe về quê. Tuy nhiên chỉ sau vài lần đi xe buýt, chị Dao không còn muốn sử dụng phương tiện này.

"Tôi nhớ có lần xe buýt và một ô tô có mâu thuẫn khi di chuyển trên Xa Lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp - PV), xe ô tô vượt mặt xe buýt và cố tình chạy chậm. Sau đó xe buýt vượt lên để ép xe ô tô, cả hai xe ép qua ép lại hơn 10 phút, đến khi có một trong hai xe rẽ hướng khác thì mới thôi. Từ đó tôi rất sợ đi xe buýt và cố gắng đặt taxi công nghệ để đi”- chị Dao nhớ lại.

 Xe buýt dàn hàng trên đường.

Xe buýt dàn hàng trên đường.

Không chỉ người trải nghiệm xe buýt cảm thấy bất an, loại hình này còn gây lo lắng cho người đi đường. Anh Lương Chí Cường (huyện Bình Chánh) dẫn chứng nếu muốn biết xe buýt chạy như thế nào, người dân hãy di chuyển ở các tuyến đường như đại lộ Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 50, đường Nguyễn Hữu Thọ, Quốc lộ 1… Tại đây, xe buýt thường xuyên lấn hết làn xe máy, gây ùn ứ kéo dài.

 Từ những hạn chế của xe buýt khiến nhiều người chọn đi xe máy.

Từ những hạn chế của xe buýt khiến nhiều người chọn đi xe máy.

Những nỗi sợ ấy khiến người dân chỉ sử dụng xe buýt trong trường hợp bắt buộc chứ chưa phải là lựa chọn ưu tiên tại đô thị có hơn 10 triệu dân.

Để xe buýt "đẹp" hơn

Trước thực trạng trên, trao đổi với PLO, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, thuộc Sở GTVT TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm) nhận định thời gian qua vẫn còn một số trường hợp tài xế xe buýt chưa chấp hành tốt các quy định về trật tự, an toàn khi tham gia giao thông.

Trung tâm đã nhiều lần tổ chức họp khẩn với lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên địa bàn TP để bàn bạc, thống nhất tăng mức chế tài đối với hành vi cố ý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với tài xế xe buýt, áp dụng đình chỉ 24 tháng đối với một số hành vi vi phạm ngay lần đầu tiên (trước đây đình chỉ 5 ngày). Đồng thời, đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, Trung tâm sẽ chuyển hồ sơ cho Phòng CSGT để phối hợp xử lý.

“Từ các biện pháp quyết liệt này, tình hình đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với xe buýt đã được cải thiện, các vụ việc vi phạm giảm rõ rệt, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt TP” – đại diện Trung tâm nói.

 Năm 2024, xe buýt phục vụ khoảng 87,1 triệu lượt hành khách.

Năm 2024, xe buýt phục vụ khoảng 87,1 triệu lượt hành khách.

Bên cạnh những quy định cứng, đơn vị kinh doanh vận tải cũng áp dụng các chính sách mềm như tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng cho tài xế xe buýt. Trung tâm thường xuyên ghi nhận những cá nhân, tập thể phục vụ tốt giao thông công cộng bằng xe buýt để lan tỏa những hành động đẹp, gương người tốt việc tốt.

“An toàn cho hành khách khi sử dụng xe buýt là yếu tố hàng đầu mà Trung tâm đặt ra trong cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trước những hình ảnh không mấy đẹp của xe buýt thời gian qua, Trung tâm có nhiều nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục” - đại diện Trung tâm khẳng định.

Tài xế được yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, yêu cầu nghiêm ngặt về tác nghiệp, không chạy quá tốc độ, không dừng hoặc tăng tốc đột ngột ảnh hưởng hành khách trên xe, dừng đón trả hành khách đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông;

100% xe buýt được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị camera để giám sát việc vận hành, kịp thời nhắc nhở tài xế, nhân viên phục vụ xe buýt. Đồng thời hệ thống camera an ninh trên xe buýt còn đảm bảo tăng an toàn cho hành khách, hạn chế tình trạng trộm cắp, móc túi, quấy rối tình dục trên xe buýt.

Các điểm dừng xe buýt được lắp đặt tại vị trí thuận lợi cho hành khách, đảm bảo an toàn giao thông, các nhà chờ có hệ thống chiếu sáng để tăng độ an toàn hành khách khi chờ xe buýt.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng của xe buýt, những năm gần đây với mục tiêu đưa giao thông công cộng bằng xe buýt trở thành phương tiện văn minh, hiện đại, thân thiện với người dân, Trung tâm đã thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Đơn cử như tiếp tục mở rộng việc thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị đơn vị vận hành các tuyến xe buýt đảm bảo chất lượng; tăng cường đưa vào sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Hiện nay TP đã có 511 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 163 xe buýt điện.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các đối tượng ưu tiên (gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, học sinh-sinh viên); Đưa vào sử dụng dự án tăng cường kết nối tuyến metro số 1, đồng thời chuẩn bị hoàn thành dự án bến xe buýt Hóc Môn, dự án cầu vào bến xe buýt Hóc Môn, dự án bến xe buýt Lê Minh Xuân cũng sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

 TP.HCM có 120 tuyến xe buýt, vận chuyển khoảng 250.000 lượt hành khách/ngày.

TP.HCM có 120 tuyến xe buýt, vận chuyển khoảng 250.000 lượt hành khách/ngày.

Trong dài hạn, để hạn chế xe cá nhân, từ năm 2020 TP.HCM đã phê duyệt đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Đề án đưa ra 27 giải pháp đặt ra đến năm 2030 nhằm phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Qua đó, nhận định xe buýt vẫn là loại hình vận tải hành khách chủ lực đến giai đoạn 2030.

 Chuyên gia nhận định cần có đường ưu tiên và dành riêng cho xe buýt.

Chuyên gia nhận định cần có đường ưu tiên và dành riêng cho xe buýt.

Giai đoạn 2022-2024, TP.HCM đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả khả quan như đã đưa vào hoạt động chính thức tuyến đường sắt đô thị metro số 1, hạ tầng xe buýt được quan tâm đầu tư, mạng lưới tuyến được nghiên cứu điều chỉnh hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số được quan tâm thực hiện từ đó chất lượng dịch vụ hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt ngày càng được nâng cao.

ThS Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM:
Cần đường ưu tiên và dành riêng cho xe buýt

Những năm qua, hoạt động xe buýt còn nhiều tồn đọng và chưa đạt được kỳ vọng.

Thực tế cho đến nay xe buýt vẫn là loại hình vận tải hành khách công cộng chính của TP.HCM trong gần nửa thế kỷ qua và sẽ tiếp tục tồn tại song song với phương tiện vận tải khối lượng lớn như metro khoảng 10-15 năm nữa.

2020 - 2024 là giai đoạn khó khăn của hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM vì có 3 năm đại dịch COVID-19. Sau khoảng thời gian này, Trung tâm, doanh nghiệp/hợp tác xã cũng có nhiều giải pháp nhằm vực dậy tình hình.

Nay đã đến giai đoạn tăng tốc, TP.HCM nên mạnh dạn ứng dụng lợi thế của Nghị Quyết 98. Trung tâm và Sở GTVT cần mạnh dạn và nhanh chóng đề xuất những phương án bứt phá hơn nữa như làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt hoặc hạn chế phương tiện cá nhân (kể cả xe 2 bánh, xe ô tô cá nhân).

Thiết lập đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt hoặc hạn chế xe cá nhân... là những biện pháp cần thiết sau khi xe buýt đã đạt mức 1 triệu hành khách/ngày vào 14 năm trước. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến do dự nên TP.HCM đã bỏ lỡ thời cơ này. Đến nay, khi lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng, đến lúc TP.HCM cần quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (đơn vị đầu tư buýt đường sông)

Phát triển hệ thống vận chuyển chuyên chở lớn

Để TP.HCM hạn chế phương tiện cá nhân cần nhiều chính sách quyết liệt hơn nữa. TP.HCM phải mạnh tay đầu tư vào những khía cạnh thuộc lĩnh vực giao thông công cộng, đồng thời có ràng buộc, chế tài để thông qua đó giảm bớt phương tiện cá nhân.

Phải tập trung phát triển thêm hệ thống vận chuyển với năng lực chuyên chở lớn, lộ trình ngắn nhất và thời gian sớm nhất, từ đó thu hút đông đảo người dân sử dụng các loại hình này.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-no-luc-dua-xe-buyt-tro-thanh-phuong-tien-giao-thong-van-minh-than-thien-post828741.html