TP HCM NỖ LỰC MỞ THÊM TRƯỜNG LỚP: Chính quyền, người dân đồng thuận
Với nhiều người dân ở phường 6 nói riêng và quận Tân Bình nói chung, việc sớm xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công cộng ở phường 6 là sự mong mỏi bấy lâu nay
Theo lãnh đạo quận Tân Bình (TP HCM), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tân Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định thực hiện 6 công trình trọng điểm. Trong đó, có việc hoàn thành xây dựng cụm trường học theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6.
Chủ trương đúng đắn
Để triển khai thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả, quận Tân Bình đã và đang tập trung cao điểm cho công tác triển khai các dự án xây dựng cụm trường học tại khu đất công trình công cộng phường 6. Cụm trường học này gồm Trường Mầm non Sơn Ca (quy mô 20 phòng học), Trường Tiểu học Hùng Vương (30 phòng học) và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (45 phòng học). Hiện thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng các công trình đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của pháp luật, đặt cột mốc hoàn thành đưa vào sử dụng vào dịp 30-4-2025. Dự án được ngân sách thành phố bố trí vốn trên 1.156 tỉ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ là 572,986 tỉ đồng, chi phí xây lắp 583 tỉ đồng.
Lãnh đạo quận Tân Bình thông tin thêm việc xây dựng cụm 3 trường học tại khu đất công trình công cộng phường 6 gồm mầm non, tiểu học, THCS tại phường theo chuẩn trường quốc gia, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, bảo đảm chỉ tiêu theo Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND do UBND TP HCM ban hành ngày 18-3-2022. Khi xây dựng xong cụm 3 trường này, quận Tân Bình sẽ đạt con số 294 phòng học/10.000 dân; tiến gần hơn tới chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân - chỉ tiêu quan trọng của TP HCM.
Bên cạnh xây dựng trường, quận cũng tập trung chỉnh trang đô thị, mở rộng 2 tuyến đường giáp ranh dự án là đường Hưng Hóa (mở rộng từ khoảng 5-7,5 m lên 16 m) và đường Chấn Hưng (từ 5-8 m lên 12 m). Hiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng các công trình tại khu đất bằng vốn ngân sách thành phố đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định.
UBND quận Tân Bình sẽ tổ chức niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ, phê duyệt phương án hỗ trợ và chi hỗ trợ theo quy định để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân bị ảnh hưởng. Việc niêm yết hỗ trợ này sẽ được UBND quận Tân Bình thực hiện tại trụ sở UBND phường 6 và điểm sinh hoạt khu phố phường 6. Quận cũng thành lập các tổ công tác để tiếp nhận kê khai của người dân, giải thích về chủ trương, chính sách, phương án hỗ trợ và các vấn đề liên quan đến dự án. Đến nay, đã có 45 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện dự án, đã nhận tạm ứng hỗ trợ gần 64 tỉ đồng.
Mong được học ở ngôi trường mới
Trước đây, quy hoạch 1/500 của UBND quận Tân Bình có bố trí khu đất công trình công cộng ở phường 6 để xây dựng cụm các trường học. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, dự án xây dựng cụm trường học vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, với nhiều người dân ở phường 6 nói riêng và quận Tân Bình nói chung, việc sớm xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại đây là niềm mong mỏi bấy lâu nay.
Biết được chủ trương xây dựng cụm trường học ở phường 6, ông N.V.T (ngụ phường 6) rất vui mừng và bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương đúng đắn này. Theo ông T. hiện khu đất cỏ cây mọc um tùm, nhiều muỗi và côn trùng. Nơi đây còn bị vứt rác bừa bãi khiến ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra, đây cũng là nơi tụ tập nhiều đối tượng hút chích, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. "Với việc triển khai thực hiện cụm trường học theo chuẩn trường quốc gia, chúng tôi tin khu vực này chắc chắn khang trang hơn. Con em chúng tôi ở đây và khu vực lân cận sẽ được học gần nhà" - ông T. nói.
Còn bà N.T.H (ngụ phường 6) nói: "Mỗi năm, cứ đến dịp khai giảng, phụ huynh phải chạy ngược, chạy xuôi để chọn trường cho con và thường chúng tôi sẽ chọn những trường thuận tiện cho việc đưa đón, chăm sóc con. Nên việc hình thành cụm trường ở khu vực này là rất cần thiết. Mong chính quyền sớm triển khai để ước mơ của người dân trở thành hiện thực".
Đối với ông V.V.H (ngụ phường 6) việc xây dựng cụm trường ở khu đất công cộng này cùng với kế hoạch chỉnh trang đô thị của quận Tân Bình thì chắc chắn sẽ làm thay đổi cảnh quan đô thị nơi đây; đời sống, sự thụ hưởng của người dân cũng sẽ được nâng cao hơn. "Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai thực hiện dự án để người dân khu vực không còn cảnh sống trong ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự" - ông H. bày tỏ mong muốn.
Đại diện lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho rằng trong điều kiện ngân sách hiện nay của thành phố còn hạn chế, chủ yếu ưu tiên tập trung bố trí vốn ngân sách cho các dự án trọng điểm thì việc HĐND, UBND TP HCM ban hành các nghị quyết và bố trí hơn 1.000 tỉ đồng để xây dựng cụm 3 trường học tại phường 6 đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện cho lĩnh vực giáo dục phát triển. Quận sẽ tập trung để sớm triển khai dự án, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Đến năm 2025, có thêm 4.500 phòng học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố về thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học. Văn bản cho biết Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch làm việc với TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về thực hiện nội dung đề án này.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, việc triển khai đề án này nhằm đáp ứng nhu cầu trường, lớp, phòng học thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 do Bộ GD-ĐT ban hành. Đồng thời phát triển, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp, giáo dục của thành phố đạt chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất theo quy định, bảo đảm tỉ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn quy định theo Điều lệ trường các cấp, bậc học.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, từ kết quả làm việc với các địa phương, Sở GD-ĐT đề xuất UBND thành phố ưu tiên sắp xếp, cân đối nguồn vốn để bố trí cho các dự án thuận lợi triển khai đẩy nhanh đầu tư. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác, giải ngân và đẩy nhanh tiến độ các dự án; rà soát, xử lý và tham mưu UBND thành phố phương án giải quyết các khó khăn của dự án thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên xem xét nếu vượt thẩm quyền; rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm tăng quỹ đất đầu tư xây dựng trường lớp (di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học; điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học...).
Sở GD-ĐT cũng đề xuất UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, đẩy mạnh thu hút đầu tư của xã hội vào phát triển mạng lưới trường lớp trên từng địa bàn hoặc chung cả thành phố. Các sở, ngành liên quan phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án và tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án cụ thể theo chức năng, thẩm quyền; phối hợp tham mưu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, đẩy mạnh thu hút đầu tư của xã hội vào phát triển mạng lưới trường lớp...
Đặng Trinh